Sang thu – một bài thơ hay nói về tâm trạng khi chuyển mùa, khúc giao mùa nhẹ nhàng, thơ mộng bâng khuâng cảm xúc của tác giả Hữu Thỉnh, ông đã nối tiếp những bài thơ thu của dân tộc. Trong bài viết này Toptailieu sẽ chia sẻ đến bạn đọc cách Cảm nhận khổ thơ cuối bài thơ Sang thu học sinh giỏi kèm dàn ý hay và chính xác nhất.
1. Dàn ý cảm nhận khổ thơ cuối bài thơ Sang thu học sinh giỏi kèm dàn ý
Mở bài
– Giới thiệu vài nét về tác giả Hữu Thỉnh và bài thơ Sang thu
– Dẫn dắt vấn đề và trích dẫn đoạn thơ cuối bài
Thân bài
* Nội dung bài thơ
– Bài thơ Sang thu chính là cảm nhận tinh tế của nhà thơ Hữu Thỉnh về sự biến đổi của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu, một bức tranh thu trong sáng, đáng yêu ở vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ.
+ Cảm nhận tinh tế của nhà thơ về tín hiệu sang thu (khổ thơ đầu)
+ Những chuyển biến tinh tế của đất trời lúc thu sang (khổ thơ thứ 2)
+ Những tâm tư, suy ngẫm của tác giả (khổ thơ cuối)
Dẫn vào khổ thơ cuối: Bài thơ hay không chỉ ở cảm nhận tinh tế mà còn là những tâm tư, suy ngẫm của tác giả, để hiểu được điều đó ta đến với khổ thơ cuối của tác phẩm
* Phân tích khổ thơ cuối Sang thu
– Luận điểm 1: Cảm nhận thực của tác giả trước khoảnh khắc chuyển mình giữa 2 mùa.
“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa”
+ “vẫn còn”, “vơi dần” -> các tính từ chỉ mức độ bớt dần chỉ mức độ rằng hạ đang nhạt dần, thu đậm nét hơn.
+ Nắng: hình ảnh cụ thể của mùa hạ. Nắng cuối hạ vẫn còn nồng, còn sáng nhưng đã nhạt dần, yếu dần bởi gió se đã đến chứ không chói chang, dữ dội, gây gắt.
+ Mưa: đã ít đi. Cơn mưa mùa hạ thường bất ngờ chợt đến rồi lại chợt đi. Từ “vơi” có giá trị gợi tả, diễn tả cái thưa dần, ít dần, hết dần những cơn mưa rào ào ạt, bất ngờ của mùa hạ.
=> Mùa hạ như vẫn đang vấn vương, níu kéo điều gì nhưng hiện thực vẫn cứ thế chảy trôi, thời gian vẫn cứ tuần hoàn.
– Luận điểm 2: Suy ngẫm, triết lí cuộc sống về mùa thu của đời người.
“Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”
+ Hình ảnh ẩn dụ “sấm”:
Nghĩa thực: hiện tượng tự nhiên của thời tiết. -> Hình ảnh thực của tự nhiên sang thu sấm thưa thớt, không còn dữ dội làm lay động hàng cây nữa.
Nghĩa ẩn dụ: Những vang động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời
+ “bớt bất ngờ” -> nhân hóa chỉ trạng thái của con người.
+ Hình ảnh ẩn dụ “Hàng cây đứng tuổi”
Nghĩa thực: hình ảnh tả thực của tự nhiên về những cây cổ thụ lâu năm.
Nghĩa ẩn dụ: thế hệ những con người từng trải đã từng vượt qua những khó khăn, những thăng trầm của cuộc đời.
=> Những con người từng trải, đã nếm được hết mùi vị ngọt ngào, cay đắng, mặn mà hay chua chát của cuộc sống, đã trải qua những khó khăn của cuộc đời, thì giờ đây sẽ không phải rơi vào tình thế xao động hay lung lay trước những biến cố của vòng xoáy cuộc đời nữa.
* Đánh giá đặc sắc nghệ thuật
– Tác giả đã khéo léo sử dụng nghệ thuật nhân hóa, ẩn dụ, sử dụng tính từ chỉ trạng thái, mức độ với hình ảnh chân thực.
Kết bài
– Khái quát lại giá trị nội dung, nghệ thuật khổ thơ.
– Cảm nhận của em về khổ thơ.
2. Cảm nhận khổ thơ cuối bài thơ Sang thu học sinh giỏi kèm dàn ý
Mùa thu được đánh giá là mùa đẹp nhất trong năm. Trong suốt dòng chảy văn học Việt Nam, từ trung đại cho đến hiện đại không ít thi sĩ đã phải nghiêng mình trước vẻ đẹp ấy. Chúng ta sẽ nhớ tới chùm thơ “ Thu điếu – Thu ẩm – Thu vịnh” của Nguyễn Khuyến hay “ Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu… Viết về mùa thu, còn phải kể đến một tác phẩm vô cùng tiêu biểu của Hữu Thỉnh – Sang thu. Tác phẩm đã thể hiện một cái nhìn mới về mùa thu, một cái nhìn vô cùng mới mẻ vào giây phút chuyển giao mùa từ cuối hạ sang đầu thu. Từ đó tác giả chiêm nghiệm ra một chân lí vô cùng sâu sắc qua khổ thơ cuối của bài thơ.
Hữu Thỉnh là một nhà thơ tài ba, đặc biệt sinh ra và trưởng thành trong suốt quá trình nước ta kháng chiến chống Mỹ. Tác phẩm được in trong tập “ Từ chiến hào đến thành phố”, được viết năm 1977, hai năm sau khi đất nước hoàn toàn giành được hoàn toàn giành được hòa bình và độc lập. Nhan đề “ Sang thu” đã giúp độc giả cảm nhận được những biểu hiện khi mùa hạ dần qua đi, mùa thu đã tới đồng thời còn bộc lộ nên hồn thơ vô cùng trữ tình, tinh tế của Hữu Thỉnh.
“ Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.”
Sang khổ thơ cuối, mạch cảm xúc của cả bài thơ đã chuyển sang tâm tư, chiêm nghiệm về cuộc sống, con người khác hẳn với hai khổ thơ đầu. Nắng, mưa và sấm là những hiện tượng tự nhiên xuất hiện vào mùa hè, thế nhưng trong giây phút chuyển mình sang thu, Hữu Thỉnh đã vô cùng tinh tế khi nhận ra sự thay đổi về mức độ qua các từ “ vơi dần”, “ bớt bất ngờ”. Nắng vẫn còn đó, nhưng không còn mang hơi hướng gay gắt của cái hè oi ả nữa. Những cơn mưa rào mùa hạ, sáng nắng chiều mưa bất cứ lúc nào cũng đã không ồ ạt kéo tới. Sấm vẫn còn đó, nhưng không dữ dội và hung hãn nữa. Những đặc trưng của mùa hạ vẫn còn đấy, dấu vết còn vương nhưng mức độ đã hoàn toàn giảm dần. Thu đã tới và mang những thứ nhẹ nhàng, dịu êm nhất đến với đất trời. Nhìn khung cảnh giao mùa, từ ngoại cảnh tác giả đã có những suy ngẫm đáng quý về cuộc đời của mỗi con người. Qua các từ ngữ mang ý nghĩa đong đếm: còn, vơi, bớt khi tả về cảnh sắc của tạo vật. Khung cảnh lúc này đang dần dần đổi thay, cả khung cảnh lẫn trong chính tâm hồn con người. Biện pháp ẩn dụ đã thể hiện rõ “ nắng, mưa, sấm” chính là những khó khăn, giông bão mà mỗi con người phải gặp phải. Nhưng khi bắt đầu sang thu thì nó đã nhỏ dần và thưa dần đi, phải chăng vì nó quá nhỏ và không đủ sức lay động, hay là những hàng cây đã quen với những việc bất ngờ này. Dù hiểu theo nghĩa nào thì câu thơ cũng vô cùng sinh động, giàu sức gợi hình, gợi cảm.
“ Hàng cây đứng tuổi” là tả những hàng cây trong đời thực và cũng ẩn dụ cho những con người đã trưởng thành, trải qua giông bão khó khăn, thăng trầm của cuộc sống. những “ hàng cây đứng tuổi” sẽ luôn chắc chắn hơn những hàng cây non, bởi rễ của chúng cắm sâu vào lòng đất ẩn dụ cho những con người trải qua thời gian dài của năm tháng, vấp ngã, bấp bênh của cuộc sống. Và khi những giông tố, khó khăn ập đến, con người ta đã trải qua nhiều lần thì sẽ vững vàng, bình tĩnh đối mặt. Bản thân mỗi con người cũng không nên bất ngờ, bối rối trước những điều bất ngờ trong cuộc sống. Chính những cơn bão đã góp phần khiến rễ cây non ngày nào cắm sâu và lòng đất và phát triển, và những khó khăn thử thách sẽ khiến con người ta trưởng thành và thành công. Cũng có thể hiểu theo nghĩa những khó khăn, thử thách trong thời kì ta chống Pháp, Mỹ chính là sấm, và những hàng cây đứng tuổi chính là dân tộc Việt Nam ta kiên cường, chống chọi với chiến tranh. Ta đã chiến đấu hết mình, và không khuất phục để rồi từ đó ta trưởng thành, trở nên cứng cỏi, sánh vai với các cường quốc năm châu. Chính giây phút chuyển mùa từ hạ sang thu, cũng giống như đất nước ta trong giai đoạn chuyển giao qua một trang lịch sử mới, vô cùng vẻ vang và thành công của dân tộc Việt Nam. Qua “ Sang thu”, tác giả còn gửi gắm mong muốn luôn luôn giữ tâm thế chủ động, sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn trong cuộc sống này.
Với thể thơ năm chữ quen thuộc nhưng không kém phần độc đáo kết hợp với nhiều hình ảnh đẹp, sinh động, chân thực đã miêu tả thành công sự chuyển biến của đất trời khi chuyển dần từ hạ sang thu, qua đó thể hiện tình yêu thiên nhiên da diết và triết lí nhân sinh vô cùng sâu sắc qua khổ thơ cuối cùng vô cùng ấn tượng.
Gấp lại Sang thu của Hữu Thỉnh, độc giả vẫn sẽ không bao giờ quên bức tranh mùa thu tuyệt diệu, gợi cảm và xinh đẹp. Thành công của tác phẩm xuất phát từ ngôn từ, giọng điệu và chính những tình cảm, tâm tư mà tác giả gửi vào tác phẩm.
———————————-
Trên đây, Toptailieu đã cùng các bạn tìm hiểu cách cảm nhân khổ thơ cuối bài thơ Sang thu học sinh giỏi kèm dàn ý. Hi vọng đây là những thông tin bổ ích cho các bạn. Chúc các bạn học tập tốt.