Cơ sở lý luận và thực tiễn của luận điểm: “Sự phát triển của các hình thái kinh tế – xã hội là quá trình lịch sử tự nhiên”?

Lời giải
Trong lời tựa của bộ Tư bản, C. Mác đã khẳng định: “Tôi coi sự phát triển của những hình thái kinh tế – xã hội là một quá trình lịch sử – tự nhiên”[1]. Đây là luận điểm khái quát quan trọng của c. Mác, khẳng định lập trường duy vật triệt để về sự vận động, phát triển của lịch sử xã hội.
Luận điểm đã chỉ rõ, sự ra đời, phát triển của các hình thái kinh tế – xã hội tuân theo quy luật khách quan và không phụ thuộc vào ý thức con người, nhưng lại thông qua hoạt động của con người có ý thức. Tính chất lịch sử – tự nhiên trong sự vận động, phát triển của các hình thái kinh tế – xã hội là sự thông nhất giữa cái khách quan và hoạt động năng động chủ quan của con người.
Cơ sở lý luận của luận điểm này trước hết là từ quan niệm xã hội là một bộ phận của tự nhiên, sự vận động, phát triển của hình thái kinh tế – xã hội phải tuân theo quy luật khách quan. Thứ hai, tiến trình lịch sử – tự nhiên của hình thái kinh tế – xã hội phụ thuộc một cách quyết định vào hai quy luật cơ bản, quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và quy luật về mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng với kiến trúc thượng tầng. Thứ ba, con người làm ra lịch sử của chính mình, nhưng sự sáng tạo đó không phải tự do, tùy tiện mà sự sáng tạo đó phải dựa trên các tiền đề, điều kiện khách quan nhất định. V.I. Lênin chỉ rõ, chỉ có đem quy những quan hệ xã hội vào những quan hệ sản xuất và đem quy những quan hệ sản xuất vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất thì mới có được cơ sở vững chắc để quan niệm sự phát triển của các hình thái kinh tế – xã hội là một quá trình lịch sử tự nhiên.
Con người làm nên lịch sử, là chủ thể của lịch sử, nhưng không thể tùy tiện tạo ra hoặc xóa bỏ một quy luật khách quan nào của lịch sử, cho nên sự phát triển của hình thái kinh tế – xã hội tuân theo quy luật khách quan. Tính logic của sự phát triển được diễn ra tuần tự từ thấp đến cao, lần lượt trải qua các hình thái kinh tế – xã hội kê tiếp nhau; bên cạnh dòng chính của sự phát triển từ thấp đến cao đó, một dân tộc cụ thể còn có thể bỏ qua một vài hình thái kinh tế – xã hội để tiến lên một hình thái kinh tế – xã hội cao hơn và đây là tính lịch sử trong quá trình phát triển của các hình thái kinh tế – xã hội. Thực tế lịch sử còn cho thấy rằng, con người có khả năng nhận thức và vận dụng được quy luật vào thực hiện mục đích của mình. Vì vậy, sự phát triển lịch sử – tự nhiên của các hình thái kinh tế – xã hội tất yếu có dấu ấn chủ quan của con người.
Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của luận điểm sự phát triển của các hình thái kinh tế – xã hội là quá trình lịch sử tự nhiên cho chúng ta cơ sở khoa học để cùng cố niềm tin vào sự tất thắng của chủ nghĩa xã hội. Sự ra đời và thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa xã hội là một tất yếu nằm trong tiến trình lịch sử – tự nhiên của sự phát triển. Mặc dù xã hội chủ nghĩa hiện thực hiện nay đang tạm thời lâm vào khủng hoảng, thoái trào nhưng nó vẫn là xã hội tương lai tất yếu của loài người. Luận điểm trên của c. Mác còn là cơ sở lý luận khoa học để phê phán những quan điểm sai trái cho rằng lý luận hình thái kinh tế – xã hội không có cơ sở khoa học và muôn thấy lý luận đó bằng lý luận khác.
[1] c. Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, tập 23, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2002, tr. 21.