Đặc điểm của thực tiễn quân sự? Ý nghĩa phương pháp luận của nó đối với người cán bộ chính trị quân đội?

Lời giải
Thực tiễn quân sự được hiểu là các hoạt động vật chất cụ thể, mang tính lịch sử xã hội của con người, nhằm đạt đến các mục tiêu quân sự, qua đó thực hiện những mục đích chính trị nhất định.
Thực tiễn quân sự gắn với thời gian, không gian, điều kiện hoàn cảnh quân sự cụ thể, bao gồm: thực tiễn chiến đấu, bảo đảm chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật quân sự; thực tiễn công tác chính trị tư tưởng…; trong đó, thực tiễn chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu là hình thức cơ bản nhất. Thực tiễn quân sự là một trong các loại hình thực tiễn xã hội chịu sự chi phối một cách trực tiếp nhất của chính trị.
Thực tiễn quân sự hàm chứa sự đối kháng gay gắt giữa chủ thể và khách thể; thường diễn ra một cách quyết liệt, phức tạp, sự biến động của nó hết sức mau lẹ, khôn lường. Thực tiễn quân sự chứa đựng nhiều yếu tố ngẫu nhiên, nhiều bất ngờ, mâu thuẫn; sự vận động của nó mang tính tổng hợp rất cao, đổi mới thường xuyên. Thực tiễn quân sự mang tính pháp lệnh cao, tính nghệ thuật phong phú, tính truyền thông, tính trường phái sâu sắc. Thực tiễn quân sự có vai trò là cơ sở, động lực, là mục đích, là tiêu chuẩn chân lý của lý luận quân sự, của khoa học nghệ thuật quân sự.
Nghiên cứu đặc điểm thực tiễn quân sự là cơ sở để người cán bộ chính trị xác định nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động lãnh đạo, chỉ huy bộ đội phù hợp với nhiệm vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao. Đặc điểm thực tiễn quân sự sẽ trực tiếp quyết định đặc điểm nhận thức trong lĩnh vực quân sự, quy định những yêu cầu, cách thức giải quyết mối quan hệ lý luận quân sự và thực tiễn quân sự trong tiến hành công tác đảng, công tác chính trị.