Đặc điểm riêng của quy luật xã hội? Ý nghĩa trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn?
Lời giải
Quy luật xã hội là quy luật hoạt động trong quá trình hình thành, phát triển của các hình thái kinh tế – xã hội, được thực hiện thông qua hoạt động của con người có ý thức, nhưng lại không lệ thuộc vào ý thức của con người. Quy luật xã hội mang đầy đủ những đặc trưng, đặc điểm của quy luật nói chung, đó là tính khách quan, tính tất yếu và tính phổ biến, đồng thời có những đặc điểm riêng.
Thứ nhất, quy luật xã hội là quy luật hoạt động của con người có ý thức. Do vậy, lợi ích luôn là “mắt khâu” quan trọng trong cơ chế hoạt động của quy luật xã hội. Nếu quy luật tự nhiên diễn ra một cách tự phát cả những nơi không có tác động của con người, thì quy luật xã hội được thực hiện một cách tự giác thông qua hoạt động của con người có ý thức. Bởi vậy, không có hoạt động của con người thì cũng không có quy luật xã hội. Mặc dù vậy quy luật xã hội vẫn mang tính khách quan, tất yếu và không phụ thuộc vào ý thức con người.
Động lực cơ bản nhất thúc đẩy mọi hoạt động của con người, của các giai cấp, các tầng lớp và mỗi cá nhân trong xã hội… là lợi ích. Do vậy, lợi ích là yếu tố’ quan trọng trong cơ chế hoạt động của quy luật xã hội. Tuy nhiên, điều đó không làm mất đi tính khách quan của quy luật xã hội, bởi vì khi mỗi người hành động theo đuổi những lợi ích riêng, khác nhau, thị kết quả tác động của quy luật xã hội lại không tùy thuộc vào ý muốn chủ quan của mỗi người mà là kết quả tổng hợp của vô số các lợi ích trong xã hội.
Thứ hai, quy luật xã hội mang tính xu hướng, phản ánh xu hướng vận động, phát triển phức tạp của đời sống xã hội. Quy luật xã hội luôn được biểu hiện ra như một xu hướng và mang tính xu hướng, phản ánh những mối liên hệ vô cùng phức tạp giữa các yếu tố trong đời sống xã hội và các mối quan hệ giữa người với người trong đó. Tính xu hướng của quy luật xã hội tự vạch đường đi cho mình xuyên qua vô số các ngẫu nhiên, kể cả các xu hướng đối lập, cản trở, với nhiều ý muốn và mục đích chồng chéo khác nhau nhưng cuối cùng phản ánh ý muốn, mục đích của khối đông người phù hợp với xu thế vận động tất yếu của lịch sử – xã hội.
Thứ ba, quy luật xã hội tồn tại, tác động trong những điều kiện nhất định. Quy luật xã hội tác động trong những điều kiện lịch sử – xã hội nhất định và khi những điều kiện tồn tại tất yếu của quy luật xã hội nào đó mất đi thì quy luật đó cũng không còn tồn tại. Trong các hoàn cảnh khác nhau, giai đoạn khác nhau, quy luật xã hội có thể được biểu hiện ra khác nhau và nó chỉ được thể hiện đầy đủ, rõ rệt khi các quan hệ xã hội vốn có của nó đạt đến trình độ chín muồi.
Hoạt động quân sự là lĩnh vực hoạt động đặc thù của xã hội, chịu sự chi phối tác động của các quy luật xã hội. Bởi vậy, người cán bộ quân đội cần nhận thức đúng đắn và vận dụng sáng tạo quy luật xã hội trong hoạt động thực tiễn nói chung và hoạt động quân sự nói riêng, cần đặc biệt chú ý đến vai trò của nhân tố con người và mặt khâu lợi ích trong hoạt động thực tiễn quân sự, thông qua chính “mắt khâu” lợi ích; các quan hệ lợi ích để nhận thức và vận dụng đúng đắn quy luật xã hội. Chống thái độ nôn nóng, chủ quan, duy ý chí trong nhận thức và vận dụng quy luật xã hội vào hoạt động thực tiễn quân sự.