I. Xuất xứ – Hoàn cảnh ra đời vợ chồng A Phủ
– Vợ chồng A Phủ (1952) là một trong ba tác phẩm (Vợ chồng A Phủ, Mường Giơn và Cứu đất cứu mường) in trong tập Truyện Tây Bắc.
– Tác phẩm là kết quả của chuyến đi cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc năm 1952. Đây là chuyến đi thực tế dài tám tháng sống với đồng bào các dân tộc thiểu số từ khu du kích trên núi cao đến những bản làng mới giải phóng của nhà văn.
– Vợ chồng A Phủ gồm có hai phần, phần đầu viết về cuộc đời của Mị và A Phủ ở Hồng Ngài, phần sau viết về cuộc sống nên vợ nên chồng, tham gia cách mạng của Mị và A Phủ ở Phiềng Sa. Đoạn trích là phần đầu của truyện ngắn.
II. Tóm tắt truyện vợ chồng A Phủ
Tác phẩm kể về cuộc đời của đôi trai gái người Mèo là Mị và A Phủ. Mị là một cô gái trẻ, đẹp. Cô bị bắt làm vợ A Sử – con trai thống lý Pá Tra để trừ một món nợ truyền kiếp của gia đình. Lúc đầu, suốt mấy tháng ròng, đêm nào Mị cũng khóc, Mị định ăn lá ngón tự tử nhưng vì thương cha nên Mị không thể chết. Mị đành sống tiếp những ngày tủi cực trong nhà thống lí. Mị làm việc quần quật khổ hơn trâu ngựa và lúc nào cũng “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Mùa xuân đến, khi nghe tiếng sáo gọi bạn tình thiết tha Mị nhớ lại mình còn trẻ, Mị muốn đi chơi nhưng A Sử bắt gặp và trói đứng Mị trong buồng tối.
A Phủ là một chàng trai nghèo mồ côi, khoẻ mạnh, lao động giỏi. Vì đánh lại A Sử nên bị bắt, bị đánh đập, phạt vạ rồi trở thành đầy tớ không công cho nhà thống lí. Một lần, do để hổ vồ mất một con bò khi đi chăn bò ngoài bìa rừng nên A Phủ đã bị thống lí trói đứng ở góc nhà. Lúc đầu, nhìn cảnh tượng ấy, Mị thản nhiên nhưng rồi lòng thương người cùng sự đồng cảm trỗi dậy, Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ rồi theo A Phủ trốn khỏi Hồng Ngài…
III. Dẫn chứng bài vợ chồng A Phủ
1. Ấn tượng mở đầu
– Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lý Pá Tra thường trông thấy có một cô con gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa.
– Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi.
2. Khi còn tự do
– Mị trẻ, xinh đẹp, có tài thổi sáo, có nhiều trai làng theo đuổi: “Trai đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị”.
– Mị hiếu thảo và có lòng tự trọng: “Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu.”
3. Lý do Mị trở thành con dâu gạt nợ
“Bố Mị lấy mẹ Mị không có đủ tiền cưới, phải đến vay nhà thống lý…Mỗi năm đem nộp lãi cho chủ nợ một nương ngô. Đến tận khi hai vợ chồng về già rồi mà cũng chưa trả được nợ”. Nhà thống lý bắt Mị về làm dâu để xóa món nợ truyền kiếp.
4. Khi về làm dâu nhà thống lý Pá Tra
– Mị về làm dâu nhà Pá Tra đã mấy năm. Từ năm nào, cô không nhớ, cũng không ai nhớ.
– Có đến hàng mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc. Một hôm, Mị trốn về nhà, hai tròng mắt còn đỏ hoe.
– ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Bây giờ thì Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa,…
– Mị trở thành công cụ lao động cho nhà thống lý: “…mỗi năm mỗi mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm suốt đời như thế”.
– Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa.
– Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng.
5. Trong đêm tình mùa xuân
– Những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xoè như con bướm sặc sỡ.
– Ngoài đầu núi, đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi.
– Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi.
– “Mày có con trai con gái
Mày đi làm nương
Ta không có con trai con gái
Ta đi tìm người yêu”
– Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát
– Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng.
– Mùa xuân này, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo.
– Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi.
– Nghĩ đến hoàn cảnh hiện tại: “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa”
– Mị đến góc nhà, lấy ông mỡ, xắn một miếng, bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng.
– Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo. Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi. Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách.
– Mị vẫn nghe thấy tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi.
– Mỵ vùng bước đi. Nhưng tay chân đau không cựa được. Mị không nghe tiếng sáo nữa.
– Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa.
6. Trong đêm đông giải cứu A Phủ
– Ngọn lửa sưởi bùng lên, cùng lúc ấy thì Mị cũng nhìn sang, thấy mắt A Phủ trừng trừng, mới biết nó còn sống. Mấy đêm nay như thế. Nhưng Mị vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay.
– Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây.