NGHỊ LUẬN VỀ TINH THẦN ĐOÀN KẾT: HIỆU ỨNG CỘNG HƯỞNG NHÓM – ASSEMBLY BONUS EFFECT
Được ra mắt công chúng lần đầu vào năm 1964 bởi Barry E. Collins và Harold Guetzkow, hiệu ứng đề cao tinh thần đồng đội và sự đoàn kết. Hiệu ứng cộng hưởng nhóm giải thích rằng một nhóm người cùng làm việc và đưa ra ý tưởng sẽ mang lại hiệu suất cao hơn rất nhiều so với những cá nhân đơn lẻ.
NGHỊ LUẬN VỀ LÒNG VÔ CẢM: HIỆU ỨNG BÀNG QUAN/HIỆU ỨNG NGƯỜI NGOÀI CUỘC – BYSTANDER EFFECT
Đúng như tên gọi, hiệu ứng người ngoài cuộc là hiện tượng xảy ra khi không ai giúp đỡ người gặp nạn – hay đám đông càng lớn thì số người giúp đỡ lại càng ít. Chứng kiến có nhiều người xung quanh khiến mọi người nghĩ rằng mình không có trách nhiệm giúp đỡ người bị nạn. Hay nói cách khác, mỗi người đều nghĩ rằng “Sẽ có người khác đứng ra giúp đỡ thôi.” hoặc nếu mọi người không ai giúp thì chứng tỏ tình huống này không nghiêm trọng lắm, nên mình cũng không cần làm gì cả.
NGHỊ LUẬN VỀ SỰ KHÁC BIỆT: HIỆU ỨNG ĐOÀN TÀU – BANDWAGON EFFECT
Hiệu ứng đoàn tàu là tình trạng mọi người cùng hành động, suy nghĩ, hoặc có cùng một phong cách nhất định chỉ vì những người khác cũng đang làm điều tương tự. Tức là càng nhiều người làm một hành động, cho dù vô lý, thì xu hướng đó sẽ ngày càng lan rộng sang những người khác. “Hiệu ứng đoàn tàu là một phần của một nhóm lớn hơn bao gồm các thiên kiến nhận thức hoặc lỗi tư duy ảnh hưởng đến các phán đoán và quyết định mà mọi người đưa ra.” Những thiên kiến có sẵn, hay còn gọi là những kinh nghiệm được truyền thụ từ trước sẽ khiến con người có tư duy tổng quan và đưa ra kết luận nhanh hơn. Tuy nhiên, không nằm ngoài khả năng rằng kết luận ấy là sai lầm
“Khi mà tất cả mọi người dường như đều đang làm một điều gì đó sẽ tạo ra một áp lực to lớn khiến ta phải tuân thủ. Và đó có lẽ là lý do tại sao các hành vi của một “đoàn tàu” (bandwagon) có xu hướng hình thành rất dễ dàng.”
NGHỊ LUẬN VỀ SỰ TRÌ HOÃN: HIỆU ỨNG CỬA SỔ VỠ – BROKEN WINDOW EFFECT
Năm 1969 nhà tâm lý học Philip Zimbardo của Đại học Stanford tiến hành một cuộc thử nghiệm. Ông bỏ hai chiếc ôtô hỏng và không có biển số lần lượt tại khu dân cư có thu nhập thấp thuộc quận Bronx, New York và khu dân cư giàu có tại thành phố Palo Alto, bang California. Chỉ trong 24 giờ, chiếc xe tại quận Bronx bị đập vỡ cửa kính và trộm hết phụ tùng. Ngược lại, chiếc xe tại thành phố Palo Alto vẫn nguyên vẹn trong hơn một tuần. Chỉ sau khi Zimbardo dùng búa tạ đập xe, một số người mới hùa theo. Đa số kẻ phá hoại ở cả hai thành phố được mô tả là “ăn mặc lịch sự, mặt mũi sáng sủa”.
Năm 1982, nhiều năm sau thí nghiệm của Zimbardo, kết quả trên được nhắc lại trong bài viết đăng trên tạp chí The Atlantic của nhà khoa học xã hội George Kelling. Lần đầu tiên người này nhắc tới lý thuyết “Hiệu ứng cửa sổ vỡ”.
Nếu ai đó làm vỡ kính cửa sổ của một tòa nhà và không sửa chữa kịp thời thì kính cửa sổ sẽ bị vỡ nhiều hơn. Nguyên nhân là khi nhìn thấy cửa sổ vỡ, những kẻ phá hoại sẽ có xu hướng tiếp tục phá các ô cửa sổ khác để thực hiện tội ác.