Top tài liệu

Đọc hiểu bài Nắng mới – Đề số 1

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8:

Mỗi lần nắng mới hắt bên song,

Xao xác, gà trưa gáy não nùng,

Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,

Chập chờn sống lại những ngày không.

Tôi nhớ me tôi, thuở thiếu thời

Lúc người còn sống, tôi lên mười;

Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,

Áo đỏ người đưa trước giậu phơi,

Hình dáng me tôi chửa xóa mờ

Hãy còn mường tượng lúc vào ra;

Nét cười đen nhánh sau tay áo

Trong ánh trưa hè trước giậu thưa.

(Nắng mới – Lưu Trọng Lư, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học)

Câu 1: Trong đoạn thơ trên tác giả đã sử dụng những phương thức biểu đạt nào? (0,5 điểm)

Câu 2: Theo tác giả, yếu tố nào của ngoại cảnh đã khơi gợi dòng hồi tưởng về mẹ? (0,25 điểm)

Câu 3: Nêu nội dung chính của đoạn thơ? (0,5 điểm)

Câu 4: Nhận xét của em về mối quan hệ giữa “nắng mới” và “me tôi” trong bài thơ? (0,25 điểm)

Đáp án

Câu 1: Trong đoạn thơ trên tác giả đã sử dụng các phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm.

Câu 2: Theo tác giả, yếu tố ngoại cảnh đã khơi gợi dòng hồi tưởng về mẹ đó chính là sự xuất hiện của nắng mới và “tiếng gà trưa gáy não nùng”.

Câu 3: Nội dung chính của đoạn thơ: Những dòng hồi tưởng đẹp, đầy xúc động về mẹ, qua đó thể hiện tình yêu mẹ của tác giả

Câu 4: Mối quan hệ giữa “nắng mới” và “me tôi” trong bài thơ: Nắng mới là hình ảnh gắn liền với những kí ức về mẹ, gần gũi, thân thuộc, dường như là hình ảnh tượng trưng cho mẹ nên mỗi lần nhìn thấy nắng mới, tác giả đều liên tưởng tới mẹ của mình.

Đọc hiểu bài Nắng mới – Đề số 2

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi từ 5 đến 8

Tôi nhớ me tôi thuở thiếu thời

Lúc người còn sống, tôi lên mười;

Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,

Áo đỏ người đưa trước giậu phơi.

Hình dáng me tôi chửa xóa mờ

Hãy còn mường tượng lúc vào ra:

Nét cười đen nhánh sau tay áo

Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa.

(Nắng mới, Lưu Trọng Lư, Theo Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh, Hoài Chân, NXB Văn học, 1994)

Câu 1: Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào? (0,25 điểm)

Câu 2: Chỉ ra những câu thơ miêu tả hình ảnh người mẹ? (0,25 điểm)

Câu 3: Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu: Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội? Tác dụng của biện pháp đó? (0,5 điểm)

Câu 4:Câu Nét cười đen nhánh sau tay áo trong đoạn thơ gợi lên điều gì? (0,5 điểm)

Đáp án

Câu 1: Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ bảy chữ. (0,25đ)

Câu 2: Những câu thơ miêu tả hình ảnh người mẹ: (0,25đ)

– Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,

Áo đỏ người đưa trước giậu phơi.

– Nét cười đen nhánh sau tay áo

Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa

Câu 3: – Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu thơ Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội: Nhân hóa. (0,25đ)

– Tác dụng: Hình ảnh nắng mới cất tiếng reo vui miêu tả một không gian sinh động, rực rỡ, vui tươi; qua đó thấy được sự náo nức, thiết tha trong nỗi nhớ của tác giả. (0,25đ)

Câu 4: Câu thơ Nét cười đen nhánh sau tay áo là một bức họa đẹp chứa đầy sức gợi – hình ảnh người mẹ vừa lấp lánh tỏa sáng, vừa e ấp, kín đáo trong nụ cười tươi tắn, hiền hậu, mang nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam xưa. (0,5đ)

Đọc hiểu bài Nắng mới – Đề số 3

Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

Nắng mới

(Lưu Trọng Lư)

Mỗi lần nắng mới hắt bên song,

Xao xác, gà trưa gáy não nùng,

Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng

Chập chờn sống lại những ngày không. 

Tôi nhớ me tôi, thuở thiếu thời

Lúc người còn sống, tôi lên mười;

Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội

Áo đỏ người đưa trước dậu phơi,

Hình dáng me tôi chửa xóa mờ

Hãy còn mường tượng lúc vào ra:

Nét cười đen nhánh sau tay áo

Trong ánh trưa hè trước dậu thưa

(Theo Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh – Hoài Chân, NXB Văn học, 1999, tr.288)

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong bài thơ.

Câu 2. Điều gì đã gợi hứng khiến thi nhân nhớ về người mẹ của mình?

Câu 3. Hình ảnh nét cười đen nhánh gợi ấn tượng nào của nhân vật trữ tình về người mẹ?

Câu 4. Kỉ niệm riêng của Lưu Trọng Lư gợi trong anh/chị xúc cảm gì về một người thân yêu nhất của mình?

Đáp án

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong bài thơ là biểu cảm.

Câu 2. “Nắng mới” và tiếng gà trưa (ở thời điểm hiện tại) là điểm gợi hứng khiến thi nhân nhớ về người mẹ của mình.

Câu 3. Hình ảnh nét cười đen nhánh gợi ấn tượng sâu sắc trong nhân vật trữ tình về người mẹ với nét cười (không phải “nụ cười”) tươi duyên, sáng ánh trưa hè, khoe hàm răng nhuộm đen bóng, đều tăm tắp như hạt na.

Câu 4. Thí sinh bày tỏ tình cảm chân thành, sâu sắc về một người thân yêu nhất của mình.

Đọc hiểu bài Nắng mới – Đề số 4

Đọc  bài  thơ sau  và trả lời câu hỏi bên dưới:

“Mỗi lần nắng mới hắt bên song

Xao xác gà trưa gáy não nùng;

Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng.

Chập chờn sống lại những ngày không.

Tôi nhớ Me tôi thuở thiếu thời,

Lúc Người còn sống, tôi lên mười;

Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,

Áo đỏ Người đưa trước giậu phơi.

Hình dáng Me tôi chửa xóa mờ

Hãy còn mường tượng lúc vào ra

Nét cười đen nhánh sau tay áo

Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa.”

 (Nắng mới – Lưu Trọng Lư)

Câu 1: (0,5 đ) Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của bài thơ.

Câu 2: (0,5 đ) Xác định nội dung của bài thơ.

Câu 3: (1,0đ) Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong câu:

“Nét cười đen nhánh sau tay áo

Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa.”

Câu 4: (1,0đ) Viết đoạn văn (5 đến 7 dòng), thể hiện suy nghĩ của anh/ chị về vai trò của tình mẫu tử trong đời sống mỗi con người.

Đáp án

Câu 1: (0,5 đ) Phương thức biểu cảm.

Câu 2: (0,5 đ)  Nỗi nhớ mẹ của Lưu Trọng Lư.

Câu 3: (1,0 đ)  Biện pháp tu từ sử dụng trong câu thơ:

Hoán dụ: “Nét cười đen nhánh” nhằm chỉ nụ cười của mẹ.

Tác dụng: Hình ảnh người mẹ hiện lên vừa lấp lánh tỏa sáng, vừa e ấp kín đáo.

Câu 4: (1.0 đ)  suy nghĩ của anh/ chị về vai trò của tình mẫu tử trong đời sống mỗi con người.

-Hình thức: một đoạn

-Nội dung cần có những ý sau:

+Tình mẫu tử là tình cảm đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người. Tình mẫu tử thể hiện sự gắn kết kì diệu giữa con và mẹ, là tình cảm nâng đỡ, dìu dắt mỗi con người đến sự bình yên và hạnh phúc trong tâm hồn.

+ Tình mẫu tử có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với mỗi người. Bất cứ ai trong cuộc đời cũng cần biết trân trọng tình cảm cao quý đó bởi chính tình mẫu tử hướng con người đến những hành động tốt đẹp để dần hoàn thiện nhân cách của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.