Top tài liệu

LẶNG LẼ SAPA

(Nguyễn Thành Long)

A. KIẾN THỨC CƠ BẢN :

I. Tác giả:

Nguyễn Thành Long (1925-1991) Quê ở huyện Duy xuyên, tỉnh Quảng Nam, viết văn từ thời kháng chiến chống Pháp, là cây bút chuyên về truyện ngắn và kí.

II. Tác phẩm:

1) Hoàn cảnh sáng tác: Truyện ngắn là kết quả chuyến đi lên Lào Cai hè năm 1970 của tác giả. Truyện rút từ tập “Giữa trong xanh” in năm 1972.

2) Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật :

* Nội dung: Truyện ngắn “Lặng lẽ Sapa” khắc họa thành công người lao động bình thường, mà tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác khí tượng ở một mình trên đỉnh núi cao. Qua đó truyện khẳng định vẻ đẹp của con người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng.

* Nghệ thuật: Truyện đã xây dựng từ một tình huống truyện hợp lý, cách kể truyện tự nhiên, có sự kết hợp giữa tự sự, trữ tình với bình luận.

3) Tóm tắt truyện ngắn “Lặng lẽ Sapa” của Nguyễn Thành Long.

Xe tới chân đỉnh Yên Sơn, bác lái xe dừng lại, giới thiệu với ông họa sĩ già và cô kĩ sư trẻ một anh thanh niên làm công tác khí tượng và vật lí địa cầu sống một mình trên núi. Trong cuộc gặp gỡ 30 phút ngắn ngủi, anh thanh niên kể về công việc của mình, công việc đơn giản nhưng gian khổ và cô đơn. Anh đã bộc lộ những suy nghĩ đúng đắn về công việc và cuộc đời. Khi ông họa sĩ định vẽ anh, anh đã giới thiệu những người khác mà anh cho là đáng vẽ hơn như ông kĩ sư vườn rau, nhà nghiên cứu sét. Những điều khám phá được ở anh thanh niên làm cho người khách vô cùng xúc động. Khi họ trở về, anh còn tặng cô gái một bó hoa và tặng bác già một làn trứng ăn đường.

B. PHÂN TÍCH TÁC PHẨM:

I. Nhận xét về cốt truyện và tình huống cơ bản của truyện ngắn “Lặng lẽ Sapa”.

– Một trong những mấu chốt của nghệ thuật xây dựng truyện ngắn là xây dựng tình huống truyện

– Tình huống cơ bản của truyện ngắn “Lặng lẽ Sapa” chính là cuộc gặp gỡ tình cờ của
anh thanh niên làm việc một mình ở trạm khí tượng với bác lái xe và hai hành khách trên chuyến xe ấy – ông họa sĩ và cô kĩ sư lên thăm trong chốc lát nơi ở và nơi làm việc của anh thanh niên.

– Tình huống gặp gỡ này là cơ hội thuận tiện để tác giả khắc họa “bức chân dung” nhân vật chính một cách tự nhiên và tập trung, qua sự quan sát của các nhân vật khác và qua chính lời lẽ, hành động của anh. Đồng thời, qua “bức chân dung” (cả cuộc sống và những suy nghĩ) của người thanh niên, qua sự cảm nhận của các nhân vật khác (chủ yếu là ông họa sĩ) về anh và những người như anh, tác giả đã làm nổi bật được chủ đề của tác phẩm: “Trong cái lặng im của Sapa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sapa, Sapa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước”.

Tác phẩm này theo lời tác giả, “là một bức chân dung”. Đó là bức chân dung của ai, hiện ra trong cái nhìn và suy nghĩ của những nhân vật nào?

– Đó là bức chân dung của người thanh niên làm công tác khí tượng, ở một mình tại trạm khí tượng trên núi cao, giữa cái lặng lẽ của Sapa.

– Tác giả gọi truyện của mình là “một bức chân dung” vì:
+ Thứ nhất: vì tác giả chỉ để cho nhân vật xuất hiện trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi khoảng 30 phút với ba nhân vật khác nhau (ông họa sĩ, cô kĩ sư, bác lái xe). Cuộc sống tình cảm và suy nghĩ của anh chỉ được thể hiện qua lời kể của bác lái xe, qua sự quan sát của ông họa sĩ, cô kỹ sư và qua lời bộc bạch, tâm sự của chính anh. Truyện ngắn này có cốt truyện hết sức đơn giản, không có xung đột, cũng không có thắt nút hay cao trào như ở phần lớn các truyện ngắn khác.

+ Thứ hai: nhân vật anh thanh niên được người họa sĩ già quan sát và muốn thể hiện bằng một bức chân dung.

II. Phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện:

Hãy phân tích để làm rõ vẻ đẹp của con người lao động và ý nghĩa cao quý của những công việc thầm lặng.

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài:

– Trong văn học Việt Nam có những cây bút văn xuôi chỉ chuyên về truyện ngắn và ký – Nguyễn Thành Long là một trong số đó. Ông được khẳng định như một cây bút truyện ngắn và ký đáng chú ý trong những năm 60 – 70 với cả gần chục sách đã in,“Lặng lẽ Sa Pa” là kết quả của chuyến “thâm nhập thực tế” ở Lào Cai của tác giả trong mùa hè năm ấy.

– Trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”, tác giả Nguyễn Thành Long đã gửi gắm chủ đề của câu chuyện “trong cái lặng im… đất nước”. Điều ấy sẽ được thấy rõ qua nhân vật: anh thanh niên, ông….

2. Thân bài:

– Đọc truyện, người đọc thấy vẻ đẹp của Sa Pa hiện lên thật độc đáo, đầy chất thơ, nhưng truyện còn giới thiệu với chúng ta về vẻ đẹp của con người Sa Pa. Đó là những con người miệt mài làm việc nghiên cứu khoa học, trong lặng lẽ mà rất khẩn trương vì lợi ích của đất nước, vì cuộc sống của con người.

2.1). Đó là anh thanh niên:

a. Vị trí của nhân vật và cách miêu tả của tác giả:

– Truyện đưa ra 4 nhân vật: bác lái xe, ông họa sĩ, cô kĩ sư mới ra trường và anh thanh
niên ở trạm khí tượng trên đỉnh Yên Sơn cao hai nghìn sáu trăm mét.

– Anh thanh niên là nhân vật chính của truyện, nhân vật này không xuất hiện ngay từ đầu truyện mà chỉ hiện ra trong cuộc gặp gỡ giữa các nhân vật kia với anh, khi xe của họ dừng lại nghỉ. Nhân vật ấy chỉ hiện ra trong chốc lát, đủ để các nhân vật khác kịp ghi nhận một ấn tượng, một kí họa chân dung về anh rồi dường như anh lại khuất lấp trong mây mù bạt ngàn cái lặng lẽ muôn thủa của núi cao Sa Pa. Nhân vật anh thanh niên hiện ra để mọi người cảm nhận được rằng: “Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của SaPa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyến nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy đất nước”.

– Nhân vật anh thanh niên được hiện ra qua sự nhìn nhận, suy nghĩ, đánh giá của nhân vật khác: bác lái xe, ông họa sĩ, cô gái. Qua cách nhìn và cảm xúc của mỗi người, hình ảnh anh thanh niên thêm rõ nét và đáng mến hơn.

b. Những nét đẹp của nhân vật:

* Hoàn cảnh sống và làm việc:

– Nhân vật chính trong truyện làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu. Sống một mình trên đỉnh núi Yên Sơn cao hơn 2600m, quanh năm suốt tháng giữa cỏ cây và mây núi Sa Pa. Công việc của anh là: “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dựa vào công việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”. Công việc ấy đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác và có tinh thần trách nhiệm cao (nửa đêm đúng giờ ốp thì dù mưa tuyết, giá lạnh thế nào cũng phải trở dậy ra ngoài trời làm công việc đã quy định).

– Nhưng cái gian khổ nhất là phải vượt qua được sự cô đơn, vắng vẻ, quanh năm suốt tháng một mình trên đỉnh núi cao không một bóng người – một hoàn cảnh thật đặc biệt.

* Những nét đẹp trong việc làm, cách sống, suy nghĩ, tình cảm và quan hệ với mọi người. – Vượt lên hoàn cảnh sống, những vất vả của công việc, anh có những suy nghĩ rất đẹp:

+ Đối với công việc, anh yêu nó tới mức trong khi mọi người còn ái ngại cho cuộc sống ở độ cao 2600m của anh thì anh lại ước ao được làm việc ở độ cao trên 3000m. Vì anh cho như vậy mới gọi là lý tưởng.

+ Anh có những suy nghĩ thật đúng và sâu sắc về công việc đối với cuộc sống con người: “khi ta làm việc, ta với công việc là một, sao lại gọi là một mình được” và anh hiểu rằng công việc của anh còn gắn với công việc của bao anh em đồng chí dưới kia. “Công việc của cháu gian khổ thật đấy chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”.

+ Quan niệm của anh về hạnh phúc thật là đơn giản nhưng cũng thật tốt đẹp. Khi biết một lần do pháp hiện kịp thời một đám mây khô làm anh đã góp phần vào chiến thắng của không quân ta bắn rơi được mấy máy bay Mỹ trên cầu Hàm Rồng, anh thấy mình “thật hạnh phúc”.

+ Cuộc sống của anh không cô đơn buồn tủi như người khác nghĩ. Bởi anh còn biết tạo niềm vui trong công việc, đó là đọc sách. Vì sách chính là người bạn để anh “trò chuyện”. Nhờ có sách mà anh chống trọi được với sự vắng lặng quanh năm. Nhờ có sách mà anh tiếp tục học hành, mở mang kiến thức.

– Từ những suy nghĩ đẹp về công việc, hạnh phúc và cuộc sống, ở anh có những hành động thật đẹp đẽ biết bao:

+ Mặc dù chỉ có 1 mình, không người giám sát, anh đã vượt qua những gian khổ của hoàn cảnh, làm việc một cách nghiêm túc, tự giác với tinh thần trách nhiệm cao. Nửa đêm, đúng giờ “ốp”, dù mưa tuyết lạnh thế nào anh cũng trở dậy ra ngoài trời làm việc. Ngày nào cũng vậy, anh làm việc một cách đều đặn, chính xác đủ 4 lần trong một ngày vào lúc 4 giờ, 11 giờ, 7 giờ tối và 1 giờ sáng.

+ Nhưng cái gian khổ nhất là vượt qua được sự cô đơn, vắng vẻ quanh năm suốt tháng một mình trên đỉnh núi cao, không một bong người. Mới đầu, anh “thèm người” tới mức phải lấy cây chắn ngang đường ô tô để được nghe tiếng người! Về sau anh nghĩ: “Nếu đó chỉ là nỗi nhớ
phồn hoa đô thị thì thật xoàng” và anh đã vượt qua để sống, làm việc một mình với cỏ cây thiên nhiên Sa Pa, để trở thành: “con người cô độc nhất thế gian” mà bất cứ ai đã một lần gặp anh đều mang theo ấn tượng đẹp đẽ.

– Anh còn có một nếp sống đẹp: anh tự sắp xếp cuộc sống một mình ở trạm một cách ngăn nắp, có một vườn rau xanh tốt, một đàn gà đẻ trứng, một vườn hoa rực rỡ.

– Ở người thanh niên ấy còn có một phong cách sống rất đẹp:

+ Đó là sự cởi mở, chân thành với khách, rất quý trọng tình cảm của mọi người, khao khát được gặp gỡ, được trò chuyện. Dẫu phải sống một mình nhưng anh vẫn luôn quan tâm tới người khác: anh gửi biếu gói tam thất cho vợ bác lái xe vừa bị ốm, tặng hoa cho cô gái, mời bác lái xe và ông họa sĩ uống trà, tặng cho người đi xa một giỏ trứng gà tươi.

+ Anh còn là người khiêm tốn, thành thực cảm thấy công việc và những đóng góp của mình chỉ là nhỏ bé. Khi ông họa sĩ muốn vẽ chân dung anh, anh nhiệt tình giới thiệu với ông những người khác mà anh cho rằng đáng cảm phục hơn anh. (ông kĩ sư vườn rau Sa Pa, anh cán bộ nghiên cứu lập bản đồ sét)

=> Tóm lại: chỉ bằng một số chi tiết và chỉ xuất hiện trong một khoảnh khắc của truyện, tác giả đã phác họa được chân dung nhân vật chính với những nét đẹp về tinh thần, tình cảm, cách sống và những suy nghĩ về cuôc sống, về ý nghĩa của công việc.

2.2) Ta còn bắt gặp ở đất Sapa những con người làm việc âm thầm, lặng lẽ cho đất nước qua lời kể của anh thanh niên.

a. Đó là ông kỹ sư vườn rau Sa Pa: Ngày này qua ngày khác ngồi trong vườn, chăm chú rình xem cách lấy mật ong để rồi tự tay thụ phấn cho hàng vạn cây su hào để hạt giống làm ra tốt hơn, để xu hào trên toàn miền Bắc ta ăn được to hơn, ngọt hơn trước.

b. Đó là anh cán bộ nghiên cứu sét: đã “11 năm không một ngày xa cơ quan” luôn “trong tư thế sẵn sàng, suốt ngày chờ sét” để lập bản đồ tìm ra tài nguyên trong lòng đất.

=> Những con người ấy làm cho anh thanh niên thấy “cuộc đời tươi đẹp qúa” đâu còn buồn tẻ “cô độc nhất thế gian”

=> Đúng như tác giả đã viết: “Trong cái lặng im… cho đất nước”

3) Nhân vật anh thanh niên, ông kỹ sư vườn rau, anh cán bộ nghiên cứu sét giúp ta hiểu thêm ý nghĩa của những công việc thầm lặng:

– Họ tạo thành cái thế giới những con người như anh thanh niên ở trạm khí tượng, những con người miệt mài lao động khoa học lặng lẽ mà khẩn trương vì lợi ích của đất nước, vì cuộc sống của mọi người.

– Cuộc sống lao động giản dị nhưng cao đẹp làm nên vẻ đẹp đích thực của mỗi con người, có sức thuyết phục lan tỏa với những người xung quanh.

3. Kết bài:

Qua phần phân tích trên ta thấy “Lặng lẽ Sa Pa” đang ngân vang trong lòng ta những rung động nhẹ nhàng mà thú vị về những con người âm thầm lặng lẽ nhưng thật đáng yêu. Họ đã dệt lên bài ca về tình yêu tổ chức, tình yêu đất nước.

III. Phân tích các nhân vật phụ:

1. Nhân vật ông họa sĩ:

– Tuy không dung cách kể ở ngôi thứ nhất, nhưng hầu như người kể chuyện đã nhập vào cái nhìn và suy nghĩ của nhân vật ông họa sĩ để quan sát và miêu tả từ cảnh thiên nhiên đến nhân vật chính của truyện – người thanh niên.

– Ông là 1 nghệ sĩ chân chính, 1 trí thức lịch duyệt, 1 nhân cách đẹp có đời sống nội tâm phong phú.

– Ngòi bút như là 1 quả tim nữa của ông vì cuộc đời ông chỉ đi và vẽ, ông khao khát nghệ thuật, vì thế mà ông thêm yêu cuộc sống và con người. Lúc nào ông cũng trăn trở phải vẽ được cái gì mà suốt đời mình thích.

– Người họa sĩ ngay từ lúc đầu gặp gỡ, bằng cả sự từng trải nghệ thuật và khao khát tìm cái đẹp của cuộc sống đã nhận ra vẻ đẹp từ tâm hồn anh thanh niên và thực sự thấy bồi rối, xúc động. “Vì họa sĩ đã bắt gặp một điều thật ra ông vẫn ao ước được biết. Ôi, một nét thôi cũng đủ khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác”…

=> Ông phát hiện ra một vẻ đẹp mới ở Sa Pa, đẹp hơn cả thiên nhiên Sa Pa, đó là vẻ đẹp từ tâm hồn con người ở Sa Pa. Và ông cảm nhận được anh thanh niên chính là đối tượng khởi nguồn cho cảm xúc ông họa sĩ muốn ghi lại hình ảnh anh thanh niên bằng nét bút kí họa và “người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá. Với những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh. Và về những điều anh suy nghĩ…”

– Từ ông, ta thấy được mục đích của người làm nghệ thuật là tìm ra cái đẹp tiềm ẩn trong cuộc sống, trong con người. Ông đã bộc lộ cái niềm say mê lao động, sáng tạo, từng trải, có thể cảm nhận được đối tượng nghệ thuật của con người lao động nghệ thuật chân chính.

– Những suy nghĩ của ông đã làm nổi bật anh thanh niên, từ đó làm cho anh sáng rõ hơn, đẹp hơn, chứa đựng chiều sâu tư tưởng và làm rõ chủ đề truyện

=> Ta càng thêm cảm phục và kính trọng ông.

2.Các nhân vật khác:

* Nhân vật cô kĩ sư:

– Góp phần làm câu chuyện thêm hấp dẫn, và làm nổi bật tính cách anh thanh niên. Cô đã điểm 1 nét vẽ nhẹ nhàng, duyên dáng vào câu chuyện.

– Cô là cô kĩ sư trẻ mới ra trường, hăng hái xung phong lên Lào Cai công tác. Bước qua cuộc đời học trò thật hẹp, bước vào cuộc sống bát ngát mới tinh, cái gì cũng làm cô háo hức.

– Cô khao khát đất rộng trời cao, có thể đi bất kì đâu, làm bất kì việc gì.

– Cô ôm bó hoa được tặng trong ngực, lắng tai nghe câu chuyện của anh thanh niên rồi trầm ngâm lặng lẽ, cô xúc động khi nhìn thấy trang sách anh thanh niên đọc để trên bàn.

– Mới bước vào đời, cô gặp anh thanh niên tựa như 1 tấm gương, tự soi để tự hiểu mình, nghĩ về mối tình nhạt nhẽo mà cô đã chối bỏ, về con đường cô đang đi tới.

– Nghe anh thanh niên cô mới bàng hoàng nhận ra con đường đi cho mình, càng vững tin vào những gì mình sẽ làm.

=> Làm bừng dậy những tình cảm lớn lao, cao đẹp khi phát hiện ánh sáng đẹp đẽ tỏa ra từ cuộc sống và tâm hồn con người khác.

– Cô biết ơn anh thanh niên không chỉ vì bó hòa anh đã tặng cho cô 1 cách vô tư, không vụ lợi mà còn bởi 1 bó hoa nào khác nữa, đó là sự hào hứng tự nhiên mà anh vô tình đã tặng cho cô.

– Và hẳn rằng có 1 tình cảm lưu luyến giữa anh thanh niên và cô khi họ chia tay nhau

=> Cô kĩ sư đẹp như những bông hoa cô cầm trên tay.

* Bác lái xe:

– Tốt bụng, vui chuyện như 1 nhân vật dẫn chuyện nhưng làm ta khó quên. Bác rất vui tính cởi mở, nhiệt tình với khách.

– Nhân vật này đã dẫn truyện, kích thích sự tò mò cho ông họa sĩ và cô kĩ sư, sơ lược về anh thanh niên trước khi 2 người gặp anh. Dẫn chứng: “… Tôi sắp giới thiệu với bác 1 người cô độc nhất thế gian. Thế nào bác cũng thích vẽ hắn”

=> Ta thấy hình ảnh anh thanh niên rõ ràng, đẹp đẽ hơn, chủ đề truyện cũng được mở rộng hơn, gợi nhiều ý nghĩa hơn. Đây chính là thủ pháp rất thành công trong việc xây dựng nhân vật chính.

IV. Các chi tiết tạo nên chất trữ tình của tác phẩm và tác dụng của chất trữ tình ấy:

Một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn và góp vào thành công của truyện ngắn: “Lặng lẽ Sa Pa” là chất trữ tình.

– Chất trữ tình toát lên từ phong cảnh thiên nhiên đẹp và đầy thơ mộng của Sa Pa được miêu tả qua cái nhìn của người họa sĩ già: Hình ảnh thiên nhiên Sa Pa mang vẻ đẹp độc đáo kì lạ.

+ Đó là nơi núi cao, thác đổ trắng xóa, với mây, nắng, sương đều rất lạ Sự bắt đầu của Sa Pa là những rặng đào ven đường hay những đàn bò lang cổ có đeo chuông là đặc trưng hữu hình của cuộc sống muôn màu, muôn vẻ nơi đây. Hình ảnh rừng cây đầu mùa bao bọc lấy nhau

“Những cây thông chỉ cao qua đầu, rung tít trong nắng, những ngón tay bằng bạc dưới cái nhìn bao che của những cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng”. Nhất là vẻ đẹp của nắng khiến cảnh sắc thêm lộng lẫy (“Nắng bây giờ bắt đầu len tới đốt cháy rừng cái nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn. Nắng chiếu làm cho bó hoa càng thêm rực rỡ và lam cho cô gái cảm thấy mình rực rỡ theo”). Người ta cảm thấy như bị cuốn đi theo nhịp chạy của mây hay đầy xúc cảm trong sự cuốn hút của nắng

+ Chỉ là những nét phác họa nhưng cảnh thiên nhiên hiện lên đẹp như những bức tranh, đẹp đến hai lần – cái đẹp tự nhiên của nó và cái đẹp qua tâm hồn người nghệ sĩ của họa sĩ.

+ Thiên nhiên đẹp làm nền tôn thêm vẻ đẹp con người nơi đây. Những đỉnh Yên Sơn, Phan Xi-Păng cao vời vợi gợi nghĩ tới những con người ở tầm cao của sự cống hiến và hi sinh. Cái hừng hực của nắng, của gió gợi đến nhiệt huyết hừng hực cháy của con người lao động nơi đây. Thiên nhiên thơ mộng, trong sáng như tâm hồn những con người Sa Pa trong sáng, mộng mơ.

– Nhưng chất trữ tình chủ yếu toát lên từ nội dung truyện: từ cuộc gặp gỡ tình cờ mà để lại nhiều dư vị trong lòng mỗi người, từ những nét đẹp giản dị rất đáng mến của người thanh niên, từ những câu chuyện anh kể về cuộc sống của mình giữa lặng lẽ Sa Pa, và từ những tình cảm, cảm xúc mới nảy nở của ông họa sĩ, cô kĩ sư đối với anh thanh niên

=> Có thể nói, truyện lặng lẽ Sa Pa có dáng dấp như một bài thơ, chất thơ bàng bạc trong toàn truyện, từ phong cảnh đẹp hết sức thơ mộng của thiên nhiên vùng núi cao đến hình ảnh những con người sống và làm việc trong cái lặng lẽ mà không hề cô độc bởi sự gắn bó của họ đối với đất nước, với mọi người. Tác giả đã tạo được không khí trữ tình cho tác phẩm, nâng cao ý nghĩa và vẻ đẹp của những sự việc, con người rất bình dị được miêu tả trong truyện, nhờ thế mà chủ đề của truyện được rõ nét và sâu sắc hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.