Mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội? Ý nghĩa phương pháp luận trong phát huy vai trò của nhân tố con người đối với sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay?

Lời giải
Triết học Mác – Lênin quan niệm, xã hội là bộ phận đặc thù của thế giới vật chất, nấc thang phát triển cao nhất của các hệ thống sống, là sản phẩm của sự tác động qua lại giữa người với người. Cá nhân là con người cụ thể đã có sự trưởng thành về phẩm chất xã hội, là một chỉnh thể trong sự thông nhất giữa đặc điểm riêng và chức năng xã hội mà người đó đảm nhiệm.
Cá nhân và xã hội có mối quan hệ biện chứng với nhau. Quan hệ cá nhân và xã hội hình thành tất yếu ở mọi giai đoạn lịch sử. Không có cá nhân trừu tượng nằm ngoài xã hội. Cá nhân bao giờ cũng là thành viên của một xã hội nhất định. Không có xã hội nếu không có hoạt động của các cá nhân, bởi xã hội do các cá nhân hợp thành.
Sự hình thành cá nhân và xã hội là hai mặt của một quá trình thống nhất. Đó là một quá trình vừa xã hội hóa cá nhân vừa cá nhân hóa xã hội. Xã hội đã sản xuất ra cá nhân. Xã hội quy định bản chất, nhu cầu, mục đích và phương hướng hoạt động của các cá nhân; bản chất xã hội của cá nhân được hình thành, phát triển trong hệ thống các quan hệ xã hội. Cá nhân là đơn vị tồn tại cuối cùng, là tiền đề đầu tiên của toàn bộ lịch sử, là chủ thể tích cực, năng động của sự phát triển xã hội. Chức năng xã hội, nhiệm vụ xã hội phải thông qua từng cá nhân mới thực hiện được. Sự phát triển xã hội bắt đầu từ sự phát triển của cá nhân. Sự phát triển của cá nhân vừa là điều kiện, vừa là mục đích của sự phát triển xã hội. C. Mác chỉ rõ, bản thân xã hội sản xuất ra con người với tính cách là con người như thế nào thì con người cũng sản xuất ra xã hội như thế.
Cơ sở của mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội là lợi ích. Lợi ích là cái khách quan cần thiết thỏa mãn nhu cầu con người, quyết định ý chí và phương thức hành động của con người. Lợi ích là một thể thống nhất đa dạng, trong đó lợi ích kinh tế – vật chất là quyết định nhất. Trong xã hội có giai cấp, lợi ích mang tính đối kháng giai cấp. Lợi ích là yếu tố liên kết các cá nhân, là “chất kết dính” giữa người với người, là động lực của mọi hoạt động lịch sử xã hội.
Quan hệ giữa cá nhân và xã hội phải thông qua tập thể với tính cách là cộng đồng của những nhóm cá nhân nhất định, được liên kết bằng những mục đích chung và những hoạt động thống nhất vì mục đích đó. Tập thể là cái xã hội ban đầu, xã hội thu nhỏ, là cái trung gian mà cá nhân gia nhập vào để hình thành và phát triển các phẩm chất xã hội.
Mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội mang tính lịch sử. Trong xã hội cộng sản nguyên thủy, cá nhân “hòa tan” vào xã hội. Trong xã hội có đối kháng giai cấp, mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội ngày càng phát triển gay gắt. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa, sự phát triển cá nhân và xã hội có sự kết hợp hài hòa; sự phát triển tự do và toàn diện của cá nhân vừa là điều kiện, vừa là mục đích của sự phát triển xã hội.
Cách mạng Việt Nam trải qua giai đoạn giành độc lập dân tộc, tiến lên chủ nghĩa xã hội, là một cuộc cách mạng vì mục đích giải phóng con người, thúc đẩy xã hội phát triển, làm cho quan hệ giữa cá nhân và xã hội ngày càng trở nên thống nhất, hài hòa. Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng và phát huy vai trò của nhân tố’ con người; giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội. Đây là sự vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, đồng thời là một trong các bài học kinh nghiệm quý báu của Đảng ta trong lãnh đạo sự nghiệp cách mạng.
Sau 20 năm đổi mới, một trong những bài học quý báu được Đảng ta rút ra là: “Đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động sáng tạo của nhân dân…”[1]. Để cách mạng Việt Nam tiếp tục giành được thắng lợi, đòi hỏi nhận thức đúng đắn hơn nữa ý nghĩa quyết định của việc xây dựng và thực hiện chiến lược con người đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam hiện nay.
Là công cụ bạo lực sắc bén của Đảng, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang cần quán triệt sâu sắc, thực hiện triệt để mọi đường lối, quan điểm của Đảng, trong đó có chiến lược con người của Đảng hiện nay. Đồng thời kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng sai trái, phản động, phủ nhận, xuyên tạc quan điểm của triết học Mác – Lênin về con người.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2006, tr. 19.