NHỮNG CÂU CHUYỆN Ý NGHĨA CÓ THỂ SỬ DỤNG KHI VIẾT NLXH
Có thể có nhiều bạn chưa biết, chúng ta có thể sử dụng những câu chuyện trong bài viết NLXH để tăng sức nặng cho lập luận. Việc lồng ghép những hình ảnh này giúp bài viết của mình trở nên sâu sắc, hấp dẫn, độc đáo hơn đó.
Các bạn có thể dùng những câu chuyện khi viết NLXH để:
– Dẫn dắt vấn đề khi viết mở bài.
– Làm dẫn chứng chứng minh cho luận điểm đưa ra.
– So sánh, liên tưởng, ví von giúp câu văn có hình ảnh, sinh động, gây ấn tượng.
Hãy tham khảo bài viết của chúng mình và bỏ túi ngay những câu chuyện ý nghĩa này nhé!
CÁI KÉN BƯỚM

Một cậu bé nhìn thấy cái kén của con bướm trên cành cây. Một hôm, cái kén hở ra một cái khe nhỏ, cậu bé ngồi và lặng lẽ quan sát con bướm trong vòng vài giờ khi nó gắng sức để chui qua khe hở ấy. Nhưng có vẻ nó đang rất khó khăn.
Cậu bé quyết định giúp con bướm bằng cách cắt khe hở cho to hẳn ra. Con bướm sau đó chui ra được, nhưng cơ thể nó bị phồng rộp và bé xíu, cánh của nó co lại. Cậu bé tiếp tục quan sát con bướm, hi vọng rồi cái cánh sẽ đủ lớn để nâng đỡ được cơ thể nó. Nhưng điều hy vọng ấy không đến.
Thực tế, con bướm đó sẽ phải bỏ ra suốt cả cuộc đời nó chỉ để bò trườn với cơ thể sưng phồng. Nó không bao giờ bay được nữa.
Cậu bé không hiểu được rằng chính cái kén bó buộc làm cho con bướm phải cố gắng thoát ra là điều kiện tự nhiên để chất lưu trong cơ thể nó chuyển vào cánh. Con bướm chỉ có thể bay được khi nó tự thoát ra ngoài lớp kén.
(Hạt giống tâm hồn)

⇒ Bài học: Từ quy luật của tự nhiên, câu chuyện đề cập đến một quy luật xã hội: khó khăn, thử thách là cơ hội giúp ta trưởng thành, tự rèn luyện, phấn đấu vươn lên để khẳng định bản thân và tự hoàn thiện mình. Chỉ khi vượt qua được những thử thách đó ta mới chạm được đến thành công và tỏa sáng. Đồng thời, câu chuyện còn nhắc nhở mỗi người: lòng tốt rất quan trọng nhưng nếu đặt lòng tốt không đúng lúc, đúng chỗ sẽ phản tác dụng, có thể gây những hậu quả, hệ lụy nghiêm trọng.

NGỌC TRAI VÀ NGHỊCH CẢNH

Không hiểu bằng cách nào, một hạt cát lọt vào bên trong cơ thể một con trai.
Vị khách không mời mà đến đó, tuy rất nhỏ, nhưng gây rất nhiu khó chịu và đau đớn cho cơ thể mềm mại của con trai. Không thể tống hạt cát ra ngoài, cuối cùng con trai quyết định đối phó bằng cách tiết ra một chất dẻo bọc quanh hạt cát.
Ngày qua ngày, con trai đã biến hạt cát gây ra những nỗi đau cho mình thành một viên ngọc trai lấp lánh tuyệt đẹp…
(Theo Bùi Xuân Lộc, Lớn lên trong trái tim của mẹ, NXB trẻ, 2005)

⇒ Bài học: Hạt cát chính là những khó khăn, thử thách, nghịch cảnh luôn ẩn chứa trong cuộc sống, khiến con người rơi vào đau khổ, bế tắc, chán nản, tuyệt vọng và muốn bỏ cuộc. Bị hạt cát làm cho đau đớn nhưng, con trai đã không chịu bất lực, không đầu hàng, nó đã biết tiết ra chất dẻo để tự khắc phục đau đớn của mình. Hình ảnh con trai tiết ra chất dẻ bọc quanh hạt cát là cách con người chấp nhận và khắc phục khó khăn, coi nó như một phần của cuộc sống và tìm cơ hội biến nó thành điều tốt đẹp. Từ câu chuyện trên đã nêu lên vấn đề về việc lựa chọn cách sống. Trước khó khăn gian khổ, ta cần mạnh dạn đối mặt với nó để dũng cảm vươn lên. Biến những thử thách thành động lực chiến thắng vươn đến thành công, nhận được thành quả xứng đáng

NGỌN NẾN

Bất ngờ mất điện, một ngọn nến được đem ra thắp lên và đang lung linh tỏa sáng. Nến hân hoan khi thấy mọi người trầm trồ: “May quá, nếu không có cây nến này, chúng ta sẽ không thể nhìn thấy gì mất!”. Thế nhưng khi dòng sáp nóng bắt đầu chảy ra, nến thấy mình càng lúc càng ngắn lại. Đến khi chỉ còn một nửa, nến chợt nghĩ: “Chết thật, ta mà cứ cháy mãi thế này thì chẳng bao lâu sẽ tàn mất thôi. Tại sao ta phải thiệt thòi như vậy nhỉ?”. Nghĩ rồi nến nương theo một cơn gió thoảng qua để tắt phụt đi. Mọi người trong phòng xôn xao: “Nến tắt rồi, tối quá, làm sao bây giờ?”. Cây nến mỉm cười tự mãn vì sự quan trọng của mình. Bỗng có người nói: “Nến dễ tắt, để tôi đi tìm cái đèn dầu…”. Mò mẫm trong bóng tối ít phút, người ta tìm được cây đèn dầu. Đèn dầu được thắp lên, còn cây nến cháy dở thì người ta bỏ vào ngăn kéo. Thế là từ hôm đó, nến bị bỏ quên trong ngăn kéo, rồi cũng không còn ai nhớ đến nó nữa. Nến hiểu ra rằng, hạnh phúc của nó là được cháy sáng, dù có thể cháy với ánh lửa nhỏ và dù sau đó nó sẽ tan chảy đi. Bởi vì nó là ngọn nến.
(Theo Quà tặng cuộc sống)

⇒ Bài học: Câu chuyện giản dị nhưng chứa đựng bài học nhân sinh sâu sắc. Ngọn nến hay ngọn đèn dầu cũng đều là ẩn dụ cho mỗi con người trong xã hội, khi được “cháy” chính là lúc con người được tỏa sáng. Muốn tỏa sáng nhưng lại không muốn tan chảy, đó là thói ích kỉ của con người chỉ biết nghĩ cho bản thân. Chính vì thế, mỗi chúng ta cần nhận thức đúng về vị trí, vai trò của mình trong cộng đồng, gia đình và xã hội. Dù ở vị trí nào, mỗi người cũng cần phải biết cống hiến để trở thành người sống có ích cho cộng đồng xã hội. Có như vậy, chúng ta mới không bao giờ phải hối tiếc vì đã sống hoài, sống phí. Và đó cũng là cách để ta tự khẳng định giá trị của bản thân mình.

TIẾNG CHIM HÓT TRONG BỤI MẬN GAI

Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót một lần trong đời, nhưng nó hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm ra bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi khi lắng nghe, và chính Thượng Đế trên Thiên Đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại nhất.
(Trích Tiếng chim hót trong bụi mận gai – Colleen M. Cullough)

⇒ Bài học: Những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống (tri thức, tình bạn, tình yêu, hạnh phúc…) chỉ có thể có được khi ta trải qua những khó khăn thử thách, thậm chí phải trả giá bằng chính nỗi đau khổ “vĩ đại”, bằng cả sự sống và sinh mạng của mình. Mỗi chúng ta hãy biết vượt lên trên những gian khổ, bất hạnh bằng nghị lực và khát vọng sống mãnh liệt để dâng hiến cho cuộc đời những điều đẹp đẽ, quý giá.
Ý nghĩa của cuộc đời không phải là ta đã tồn tại bao lâu mà là ta đã sống như thế nào và làm được điều gì trong cuộc đời….

NHỮNG QUẢ BÓNG BAY

Một chú bé da đen đang chơi đùa trên bãi cỏ. Phía bên kia đường, một người đàn ông đang thả nhẹ những quả bóng lên trời, những quả bóng đủ màu sắc, xanh, đỏ, tím, vàng và có cả màu đen nữa.
Cậu bé nhìn khoái chí, chạy tới chỗ người đàn ông hỏi nhỏ:
– Chú ơi, những quả bóng màu đen có bay cao được như những quả bóng khác không ạ?
Người đàn ông quay lại, bất giác giấu đi những giọt nước mắt sắp lăn nhẹ trên đôi gò má. Ông chỉ lên đám bóng bay lúc nãy chỉ còn những chấm nhỏ và trả lời cậu bé:
– Những quả bóng màu đen kia cũng sẽ bay cao như những quả bóng màu khác và cháu cũng vậy.
Cậu bé nở nụ cười rạng rỡ cảm ơn người đàn ông.
Màu đen, màu vàng, màu đỏ…cho dù là màu gì thì cũng đều là quả bóng.
(Theo Internet)

⇒ Bài học: Câu chuyện cho ta hiểu một bài học nhân sinh. Những quả bóng bay trong câu chuyện là hình ảnh ẩn dụ cho những con người trong cuộc sống, mỗi người có đặc điểm, hình thức và phẩm chất, năng lực khác nhau, ai cũng có thể thành công, bay cao và vươn xa, điều đó làm nên sự đa dạng, phong phú, muôn màu của cuộc sống. Bạn là quả bóng màu gì không quan trọng. Quan trọng là bạn có những tố chất tốt đẹp của quả bóng để được bay thật cao, thật xa.

Mỗi người sinh ra đều mang một màu sắc, giá trị riêng, đều đáng trân trọng. Vì vậy, đừng vội nhìn bề ngoài để đánh giá giá trị của bất kì điều gì. Hãy cứ giữ vững niềm tin vào giá trị của bản thân, con người làm nên thành công, hay thất bại, đều không phụ thuộc vào hình thức bề ngoài.

Câu chuyện cũng cho ta hiểu rõ hơn và nhận thức đúng đắn hơn về giá trị chính bản thân mình, cố gắng để có thể bay cao, bay xa trong cuộc sống, tương lai của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.