Bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca thể hiện sự đồng cảm của tác giả với Lor-ca, người nghệ sĩ tự do và cô đơn, dù bị chết oan khuất vẫn hiên ngang. Trong bài viết này Toptailieu sẽ chia sẻ đến bạn đọc cách phân tích bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca học sinh giỏi hay và chính xác nhất.
1. Dàn ý phân tích bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca học sinh giỏi
Mở bài
– Đôi nét về tác giả tác phẩm: Thanh Thảo là nhà thơ tiêu biểu của văn học Việt Nam, trưởng thành từ các nhà thơ thế hệ kháng chiến bảo vệ dân tộc, có phong cách sáng tác riêng, luôn ý thức được tính sáng tạo, tìm tòi những cái mới, đem đến một làn gió mới cho thơ ca Việt Nam. Bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca hội tụ đủ những điều đó.
Thân bài
Làm nên cảm hứng của bài thơ là hình tượng thơ Gacia Lorca – một tên tuổi lớn của đất nước Tây Ban Nha. Đó là người nghệ sĩ tranh đấu chống lại chủ nghĩa phát xít và cách tân nền nghệ thuật đã già nua của đất nước Tây Ban Nha. Anh hi sinh khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao, để lại trong lòng nhân dân Tây Ban Nha nói riêng và nhân dân thế giới nói chung niềm tiếc thương vô hạn. Từ hình tượng ấy, Thanh Thảo đã sáng tác bài thơ này.
Tác giả xây dựng hình ảnh thơ
* Người nghệ sĩ Lor – ca: Là một người yêu tự do, hiện thân của nền văn hóa Tây Ban Nha, đã chịu những tàn ác của nhiều thế lực xấu với sự chết đi dần mòn là cái chết oan ức.
* Tiếng đàn Lor – ca thể hiện tâm hồn, nét đẹp của người nghệ sĩ tài ba Lor-ca.
* Tác giả thể hiện niềm ngưỡng mộ tài năng và thương xót cho số phận người nghệ sĩ Lor – ca
Kết bài
– Nếu khái quát lại vấn đề phân tích
– Những nét về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm
– Ý kiến của bản thân về tác phẩm và khẳng định tài năng tác giả
2. Bài văn phân tích bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca học sinh giỏi
Tâm hồn người nghệ sĩ vốn rất nhạy cảm và giàu lòng trắc ẩn, bởi vậy không khó để họ tìm thấy sự gặp gỡ, đồng cảm với những người cách mình cả nhiều thế hệ. Từ chính sự đồng cảm ấy nhiều nhà thơ, nhà văn đã sáng nên những tác phẩm thể hiện sự trăn trở với số phận của những người không cùng thế hệ. Chẳng thế mà có Nguyễn Du với “Độc tiểu thanh kí”, Nguyễn Tuân với “Chữ người tử tù”,Thanh Thảo với “Tiếng đàn ghita của Lorca”. Trong đó “Tiếng đàn ghita của Lorca” là một bài thơ vô cùng đặc sắc. Bài thơ “Tiếng đàn ghita của Lorca” ra đời năm 1969, 1970 đã khẳng định tài năng, vị trí của Thanh Thảo trong nền thơ ca đương thời, và tạo nên một cơn “địa chấn” trong thơ ca lúc bấy giờ.
Lorca là một nhân vật có thật trong lịch sử của Tây Ban Nha. Ông là một nghệ sĩ đa tài, nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực như hội hoạ, thơ ca, âm nhạc… với cây đàn ghita ông đã thể hiện khát vọng tự do, đổi thay cho đất nước, tố cáo chế độ phản động, đòi đổi mới, cách tân nền nghệ thuật đương thời. Chính vì tư tưởng tiến bộ đó ông đã bị chế độ độc tại bắt giam và giết hại. Cái chết của ông đã gây ra sự phẫn nộ không chỉ của nhân dân trong nước mà trên toàn thế giới. Vì thế Lorca đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của rất nhiều nghệ sĩ trên thế giới, trong đó có Thanh Thảo.
Lời đề từ “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” chính là di chúc, là lời tâm nguyện của Lorca. Câu thơ thể hiện sự gắn bó của ông với cây đàn ghita, tâm nguyện lúc chết chỉ đơn giản là được chôn với cây đàn của mình. Đó là tình yêu nghệ thuật cháy bóng của Lorca mà ngay cả cái chết cũng không thể dập tắt được. Không chỉ vậy lời thơ còn là dự cảm về số phận của người nghệ sĩ khi không thể hoàn thành tâm nguyện của bản thân. Ông biết trong cuộc chiến này ông vô cùng đơn độc, tư tưởng của ông đã khiến thế lực phản động vô cùng lo sợ, và cái chết có thể đến với ông bất kỳ lúc nào. Nhưng bằng tinh thần đấu tranh ông vẫn quyết chiến đấu đến cùng.
Ở 6 dòng thơ đầu tiên là hình ảnh của người nghệ sĩ Lorca trong bối cảnh đất nước Tây Ban Nha thời bấy giờ:
những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chuếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn
Hình ảnh “áo choàng đỏ gắt” gợi chúng ta liên tưởng đến những trận đấu bò tót, một nét văn hoá đặc sắc của quê hương Tây Ban Nha. Âm thanh li -la-li-la gợi tả tiếng đàn du dương, trầm bổng, li-la còn là tên một loài hoa đẹp ở Tây Ban Nha, loài hoa mọc rải rác trên những thảo nguyên xanh bát ngát. Tiếp đó là hình ảnh vầng trăng, yên ngựa, cô gái Di gan gợi lên không gian văn hoá đa chiều của đất nước Tây Ban Nha. Trong bối cảnh ấy người nghệ sĩ Lorca đã hiện lên với sự gắn bó sâu sắc cùng nền văn hoá của dân tộc. Có thể nói chính bản sắc văn hoá của đất nước đã nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ, và làm bộc lộ tài năng nghệ thuật của ông. Lorca hiện lên qua hình ảnh người nghệ sĩ đơn độc trên yên ngựa, lang thang qua nhiều nơi chốn để tìm kiếm con đường giải thoát cho dân tộc. “Hình ảnh tiếng đàn bọt nước” như là dự cảm về số phận vỡ tan như bong bóng của người nghệ sĩ đa tài, về cái chết đầy bi kịch trong một tương lai gần.
Trong 6 dòng thơ tiếp theo, Thanh Thảo đã tái hiện cái chết bi tráng của Lorca. Trong cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ thù Lorca vô cùng đơn độc:
Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lor-ca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du”
Người nghệ sĩ nghêu ngao với khúc ca đòi tự do, giải thoát và tai hoạ ập đến, lũ độc tài đã ám sát chàng, giết chết người nghệ sĩ trẻ khi ông vừa tròn 38 tuổi. Hình ảnh ‘áo choàng đỏ” xuất hiện một lần nữa nhưng lần này là “áo choàng bê bết máu”, máu người nghệ sĩ đã đổ xuống, thật bàng hoàng và đau xót. Tất cả đã gây ấn tượng thật mạnh, cứa sâu vào trái tim người đọc trước sự ra đi của người nghệ sĩ tài hoa.
Điều đặc biệt là khi người nghệ sĩ ngã xuống thì tiếng đàn của ông vẫn còn day dứt mãi:
tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy
Tiếng đàn ghi ta được lặp lại nhiều lần, mang âm hưởng của sự chua xót, tố cáo sự tàn ác, bất công của xã hội”, tiếng đàn nâu, tiếng đàn xanh, tiếng đàn vỡ tan và đỉnh điểm là tiếng đàn ròng ròng máu chảy. Người nghệ sĩ với cây đàn ghi ta lang thang khắp chốn, khúc ca nghêu ngao với khát khao tự do, nhưng rồi hiện thực nghiệt ngã đã chôn vùi “bằng dòng máu chảy ròng ròng”. Nỗi đau của tiếng đàn cũng là nỗi đau của người nghệ sĩ với bao hoài bão mà chưa thành.
13 dòng thơ tiếp theo là những suy tư của tác giả Thanh Thảo về ý nghĩa của tiếng đàn về niềm tin vào sự bất tử của tiếng đàn
không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng
Tuy Lorca đã chết, không ai chôn cất ông nhưng tiếng đàn của ông và lý tưởng khát vọng của ông vẫn còn mãi, sống mãi với sức sống không gì có thể tiêu diệt nổi “ như cỏ mọc hoang” kiên trì, bền bỉ mọc trong đất, sinh sôi nảy nở trong bất kỳ hoàn cảnh khắc nghiệt thế nào. Những giọt nước mắt khóc thương kết thành “nước mắt vầng trăng, long lanh nơi đáy giếng” Đó cũng là vẻ đẹp cuộc đời của Lorca, luôn sống và cống hiến hết mình cho cuộc đời. Dù có bị vùi dập phũ phàng thì sức sống cùng vẻ đẹp của người nghệ sĩ vẫn sáng mãi như “vầng trăng long lanh đáy giếng”.
đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lorca bơi sang ngang
trên chiếc ghita màu bạc
“đường chỉ tay đã đứt” là sinh mệnh của con người đã không còn, người nghệ sĩ có số phận ngắn ngủi đã không còn trên cõi đời này. Thế nhưng dù bước sang thế giới bên kia, người nghệ sĩ vẫn khát khao được cống hiến với tiếng đàn ghita màu bạc. Dù không còn trên thế gian nhưng Lorca vẫn bất tử mãi.
Những dòng thơ cuối cùng là tiếng ca từ giã cuộc đời của Lorca
chàng ném lá bùa cô gái Digan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt
li-la li-la li-la
Những hành động “ném lá bùa vào xoáy nước”, “ném trái tim vào bất chợt” thể hiện sự dứt khoát chối từ những ràng buộc của chốn trần gian để đi vào cõi tử. Cũng có thể nói dù đã chết nhưng trong cuộc chiến với chế độ độc tài Lorca đã chiến thắng. Tiếng đàn và khát khao tự do của ông vẫn luôn đồng hành cùng với cuộc tranh đấu của những người yêu chuộng hoà bình, tự do.
Bài thơ “Tiếng đàn ghita của Lorca” sáng tác bằng thể thơ tự do, không vần, không theo bất kỳ cấu trúc, công thức nào. Dòng thơ tuôn trào theo mạch cảm xúc của tác giả một cách tự nhiên, chân thật. Nghệ thuật được sử dụng chủ yếu là điệp từ và đối cùng với phép so sánh, liên tưởng. Tất cả đã thể hiện những cách tân, đổi mới nghệ thuật của nhà thơ Thanh Thảo, cũng là nỗ lực cải tạo tiếng Việt, góp phần làm cho nền thơ ca dân tộc phong phú và đa dạng hơn.
Có thể nói “Đàn ghita của Lorca” là một trong những bài thơ hay nhất của nhà thơ Thanh Thảo. Thông qua việc khắc hoạ hình tượng người nghệ sĩ Lorca, Thanh Thảo đã thể hiện sự cảm phục và trân trọng với người nghệ sĩ tài hoa, bạc mệnh. Đồng thời bộc lộ triết lý nghệ thuật của Thanh Thảo về mối quan hệ giữa cuộc sống và nghệ thuật. Chính nghệ thuật đã góp phần làm nên sự bất tử của người nghệ sĩ.
———————————-
Trên đây, Toptailieu đã cùng các bạn tìm hiểu cách phân tích bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca học sinh giỏi. Hi vọng đây là những thông tin bổ ích cho các bạn. Chúc các bạn học tập tốt.