Tràng là hình tượng nhân vật trung tâm của truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân. Tràng là nhân vật điển hình cho người nông dân lao động trước cách mạng tháng 8. Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Tràng trong truyện Vợ nhặt học sinh giỏi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nhân vật này.
1. Dàn ý Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Tràng trong truyện Vợ nhặt học sinh giỏi
a. Mở bài
– Giới thiệu về tác giả và tác phẩm
– Khái quát về nhân vật Tràng
b. Thân bài
* Thân phận của nhân vật Tràng
– Xuất thân là dân ngụ cư, gia đình nghèo nhất làng, luôn lép vế trước mọi người
– Nghề kiếm sống là kéo xe bò thuê
– Hắn có ngoại hình xấu xí với chiếc áo nâu tàng, đầu trọc lốc, mắt gà gà, thân hình to lớn thô kệch,…tính cách thì dở hơi
* Diễn biến tâm trạng nhân vật Tràng
– Chặng 1: Cách chọn vợ
+ Trước cảnh nghèo, lúc đầu Tràng tỏ ra lo lắng nhưng sau đó cũng tặc lưỡi “chậc, kệ”.
=> Đây là một sự táo bạo, liều lĩnh
– Chặng 2: Khi có vợ
+ Trên đường đưa vợ về nhà: Vẻ mặt phơn phởn khác thường, tự đắc
+ Khi vợ vào nhà: Xăm xăm bước vào dọn dẹp sơ qua, đây là một hành động ngượng nghịu nhưng chân thật, mộc mạc.
Sốt ruột chờ mong bà cụ Tứ về để thưa chuyện cho thấy Tràng là một người con biết lễ nghĩa
Tràng thở phào, ngực nhẹ hẳn đi khi bà cụ Tứ tỏ ý mừng lòng .
– Chặng 3: Sự tự ý thức về hạnh phúc
Cảm thấy mình nên người, hạnh phúc từ những điều đơn giản nhất và tự cảm thấy mình nên có trắc nhiệm hơn
– Chặng 4: Những dự cảm đổi đời
+ Hình ảnh đám người đói và lá cờ bay phấp phới trong suy nghĩ báo hiệu sự đổi đời, con đường đi mới, một tương lai tươi sáng.
2. Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Tràng trong truyện Vợ nhặt học sinh giỏi
Kim Lân là một tác giả tiêu biểu của nền văn học Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam. Ông sáng tác văn từ sớm và là một tấm gương sáng về nỗ lực học hỏi. Trong đó, Vợ nhặt được coi là tác phẩm tiêu biểu ông viết về người nông dân trong hoàn cảnh cách mạng tháng Tám vừa thành công. Và thành cong nhất trong câu chuyện chính là hình ảnh của Tràng, nhân vật thể hiện trọn vẹn cả giá trị nhân đạo và vẻ đẹp của người nông dân.
Vợ nhặt được sáng tác năm 1945, khi nạn đói đang diễn ra khốc liệt với con số thương vong lên đến hàng triệu người. Người dân lúc bấy giờ đang dưới hai ách áp bức của Thực dân Pháp và phát xít Nhật, cuộc sống đầy khó khăn gian khổ. Miền Bắc lúc này chính là địa ngục trần gian khi Nhật bắt ta bỏ lúa trồng đay, trong khi Pháp như hổ đói ra sức vơ vét lúa gạo. Và cái kết, dân tộc ta rơi vào nạn giặc đói, khắp nơi la liệt người không đủ đồ ăn, bần cùng và cực khổ. Nhân vật trong truyện cũng trải qua kiếp nạn tương tự, nay no mai đói, cận kề bên bờ vực sụp đổ. Tuy nhiên, những người nông dân ấy không bị nản lòng trước hoàn cảnh đó mà luôn hướng về một tương lai tươi sáng, hướng về hạnh phúc và tình yêu. Chính điều đó đã khơi nên cảm hứng sáng tác của tác giả.
Nhân vật Tràng được tác giả Kim Lân xây dựng là một kẻ ngụ cư, sống lầm lũi lép vế. Gia cảnh của hắn chẳng khấm khá là bao, căn nhà nhỏ rúm ró và chiếc áo rách rưới chính là tất cả tài sản của hắn. Tính cách thì được tác giả miêu tả khá “dở hơi” khi thích vừa đi vừa nói, nói những thứ lich tinh và hay “ngẩng mặt lên trời cười hềnh hệch”. Hắn chính là một gã trai nghèo khổ từ cả ngoại hình lẫn nội tâm. Cứ ngỡ rằng, mổ kẻ như thế chẳng thế nào kiếm được một cô vợ đàng hoàng, ấy vậy mà chỉ đi ra ngoài làm việc, Tràng đã “nhặt” ngay được một cô.
Lúc đầu gặp, Tràng còn bông đùa cô gái: “Muốn ăn cơm trắng với giò này/Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì!”. Hành động đó qua loa và đại khái, nhưng cả Tràng và người đọc đều không ngờ được rằng cô gái lại đồng ý. Đó chính là sự táo bạo, cũng là niềm khát vọng mãnh liệt của những người cùng khổ luôn ước ao hạnh phúc. Trên đường đưa vợ về nhà, Tràng có vẻ thích chí lắm. “Có cái gì phơn phởn khác thường”, “cảm thấy vênh vênh tự đắc”,…đó là những chi tiết nhỏ cho thấy sự hân hoan của Tràng. Không những vậy, khi đối mặt với những người làng chê hắn “rước cái của nợ” về nhà, hắn cũng không khó chịu mà chỉ chép miệng: “Kệ”. Khi về tới nhà, hắn chạy vội vào dọn dẹp qua loa, gọi mẹ hắn ra ngắm nàng dâu. Khi chờ đợi lời công nhận của bà cụ Tứ, hắn cũng thấy lo lắng bồn chồn. Và rồi, niềm vui vỡ oà khi bà cụ đồng ý chuyện của hai người, ngực nhẹ nhõm hẳn đi.
Từ khi nhặt được vợ, tâm trạng của Tràng có thể nói là ngày càng đi lên. Buổi sáng thức dậy, hắn giúp đỡ sửa căn nhà nhỏ, coi đó là tổ ấm ngày sau của mình. Tràng cũng đã ý thức được bổn phận của người đàn ông trong gia đình và tự nhủ còn cần phải cố gắng hơn nữa. Đi cùng với niềm vui của bản thân, Tràng cũng đã có một dự cảm với tương lai, đó chính là sự đổi đời. “Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới”. Đó chính là niềm tin vào Đảng sẽ dẫn dắt người nông dân đứng lên từ nghèo khó. Hình ảnh này cũng như một điểm sáng cho đoạn cuối câu chuyện, thể hiện tư tưởng và niềm tin của không chỉ nhân vật mà còn là của tác giả vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và nhà nước.
Tóm lại, qua việc miêu tả diễn biến tâm trạng của Tràng, Kim Lân đã thể hiện được vẻ đẹp trong tâm hồn và phẩm chất của người nông dân trong xã hội cũ. Không những thế, đó còn là lòng tin vào một tương lai tươi sáng phía trước, nơi con người có thể tự do thể hiện khát khao của mình.
——————————-
Trên đây Toptailieu đã cùng các bạn Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Tràng trong truyện Vợ nhặt học sinh giỏi. Mong rằng bài viết này sẽ giúp các bạn bổ sung thêm những kiến bổ ích về môn Ngữ văn cùng cách viết văn phân tích.