Để bày tỏ niềm tiếc thương, lòng yêu thương của nhân dân dành cho Bác Hồ, Viễn Phương đã viết bài thơ Viếng lăng Bác để nói về lòng yêu thương Bác. Trong bài viết này Toptailieu sẽ chia sẻ đến bạn đọc cách phân tích khổ 3, 4 bài thơ Viếng lăng Bác học sinh giỏi hay và chính xác nhất.
1. Dàn ý phân tích khổ 3, 4 bài thơ Viếng lăng Bác học sinh giỏi
Mở bài
– Đôi nét về tác giả, tác phẩm
Thân bài
– Những cảm xúc nhìn từ xa khi nhìn qua lăng Bác: hàng tre, hình ảnh ẩn dụ mặt trời,…
– Khi bước vào lăng, tác giả đã nêu lên những cảm xúc riêng
– Khi rời lăng Bác, để lại những vấn vương, nhớ thương ước muốn làm mọi thứ để được mãi ở bên Bác
Kết bài
– Những cảm nhận của em về bài thơ
– Đôi nét về giá trị nội dung và nghệ thuật qua đó thấy tài năng tác giả
2. Bài văn phân tích khổ 3, 4 bài thơ Viếng lăng Bác học sinh giỏi
Viễn Phương là một trong những cây bút trẻ có mặt sớm nhất trong nền thơ ca cách mạng chống Mỹ. Thơ ông tràn đầy tình yêu thương với quê hương, đất nước, với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Một trong những bài thơ hay nhất khi viết về lãnh tụ của ông là bài thơ “Viếng lăng Bác”. Bài thơ ngắn gọn, chỉ có 4 khổ, khổ nào cũng chan chứa tình cảm với Bác Hồ kính yêu, đặc biệt là khổ 3, 4.
Năm 1976, sau khi kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi, lăng chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vừa khánh thành. Viễn Phương đã lặn lội từ miền Nam ra Hà Nội để viếng lăng Bác. Hoà chung với dòng người từ miền Nam, cảm xúc của nhà thơ trào dâng khi được đặt chân đến lăng Bác, nơi đặt thi hài của Người:
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
………………………………………
Muốn làm bông hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.
Hai khổ thơ đầu nói đến hoàn cảnh nhà thơ đến thăm lăng Bác và không gian xung quanh lăng Bác. Viễn Phương đến thăm lăng Bác trong một ngày nắng đẹp, vào buổi sớm mai. Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến nơi yên nghỉ của người là một khung cảnh đẹp, uy nghi “Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát/ ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam”. Khung cảnh đẹp, uy nghi ấy gợi ra bao nhiêu cảm xúc vừa tự hào, vừa chua xót vì cảnh đấy nhưng người đã không còn nữa. Để rồi tình cảm ấy như trực trào, vỡ oà thành những dòng thơ chứa chan tình cảm ở khổ 3 và 4
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Khung cảnh bên trong lăng thật yên bình. Bác nằm đó giống như đang ngủ một giấc nồng. Cách nói giảm nói tránh về sự ra đi của Bác chỉ giống như đang ngủ nhằm che giấu đi sự mất mát của cả dân tộc. Người chưa bao giờ chết, chỉ là đang nghỉ ngơi trong một chốn thanh tịnh. Bao quanh giấc ngủ ấy là một vầng trăng sáng dịu dàng. Đây là một hình ảnh ẩn dụ đẹp, ta có thể hiểu vầng trăng là hình ảnh của thiên nhiên luôn ở bên cạnh bầu bạn với người, đi cùng người từ những năm tháng gian khổ đến ngày ca khúc ca khải hoàn. Đặt hình ảnh vầng trăng dịu hiền cạnh Bác giống như một phép so sánh ngầm. Người cũng bất tử cùng với sự vĩnh hằng của thiên nhiên. Trong trái tim của con dân đất Việt người chưa bao giờ chết.
Nhìn Bác ngủ thật yên bình, nhưng sự thật vẫn là sự thật, dù đau lòng và mất mát quá lớn nhưng Bác đã ra đi mãi mãi chẳng quay trở lại:
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!
Dẫu trời xanh sự vĩnh hằng của tạo hoá là mãi mãi, lý trí vẫn chấn an Bác vẫn còn đó, chỉ là đang nghỉ ngơi sau những năm tháng miệt mài cống hiến cho Tổ quốc nhưng sự thật nghiệt ngã vẫn là Bác đã ra đi mãi mãi. Động từ “nghe nhói” xuất hiện trong câu thơ diễn tả tất cả sự đau đớn, bàng hoàng của nhà thơ trước nỗi đau quá lớn này. Dù con tim mách bảo Bác vẫn còn sống đó, mãi mãi trường tồn cùng vĩnh hằng với vầng trăng dịu hiền và mặt trời chân lý. Nhưng lý trí vẫn khẳng định Bác đã không còn nữa rồi, người đã đi về với các cụ Các Mác, Lê Nin rồi. Đau xót làm sao, sự ra đi của Bác là một tổn thất vô cùng to lớn với toàn dân tộc và cả với nhân loại.
Mạch cảm xúc đau xót và thương tiếc vô hạn khi người rời đi dâng trào ở khổ thơ cuối cùng:
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này…
Giây phút phải chia xa nhà thơ vô cùng tiếc nuối và đau xót, dẫu về miền Nam nhưng tim luôn hướng về nơi đây, nơi Bác đang yên giấc ngàn thu. Một tiếng “thương trào nước mắt” gợi cảm xúc đau xót như vỡ oà thành tiếng, không nói lên lời. Cả miền Nam đều tiếc thương, nhớ Bác, như vẫn chưa chấp nhận được sự thật là Bác đã ra đi. Ba lần điệp ngữ “muốn làm” vang lên thể hiện khát khao cháy bỏng của nhà thơ. Ông ước được làm con chim để hót vang những âm thanh trong trẻo, rộn ràng quanh lăng, ước được làm đoá hoa toả hương thơm ngát và cuối cùng là mong ước được làm “cây tre”đứng canh lăng Bác , bảo vệ giấc ngủ bình yên của người. Những ước mong thật giản dị, chân thành nhưng thể hiện niềm kính yêu vô hạn của nhà thơ dành cho Bác. Ước mong của nhà thơ cũng là ước mong của hàng triệu con dân Việt Nam. Bác hãy yên giấc lành nhé, hàng triệu con dân Việt Nam sẽ luôn nguyện theo lời Bác dạy, xây dựng quê hương Tổ quốc thêm đẹp giàu.
Bài thơ viết theo thể thơ 8 chữ, câu từ, hình ảnh không quá mới mẻ, đặc sắc, làm nên thành công của bài thơ chính là ở cảm xúc chân thành, dạt dào của nhà thơ. Tính nhạc cũng là yếu tố tạo nên đặc sắc cho bài thơ, cũng chính vì vậy “Viếng lăng Bác” đã được phổ nhạc, trở thành một trong những bài hát hay khi viết về Bác.
Bài thơ “Viếng lăng Bác” là một sáng tác hay và xúc động, đã thể hiện được tình cảm chân thành, sâu sắc của nhà thơ và cũng là tiếng lòng của con dân Việt Nam gửi đến Bác. Những vần thơ rưng rưng cảm động nhưng vẫn nghiêm trang và thành kính, đã thể hiện mong ước và niềm tin “Bác vẫn sống mãi trong lòng mỗi người dân đất Việt”.
———————————-
Trên đây, Toptailieu đã cùng các bạn tìm hiểu cách phân tích khổ 3, 4 bài thơ Viếng lăng Bác học sinh giỏi. Hi vọng đây là những thông tin bổ ích cho các bạn. Chúc các bạn học tập tốt.