Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại, là người hùng của dân tộc Việt Nam bởi những công lao to lớn mà Người mang lại cho đất nước Việt Nam. Lúc Bác mất, cả dân tộc không khỏi đau sót, Viễn Phương đã viết bài thơ Viếng lăng Bác để tỏ lòng thương nhớ vị cha già kính yêu của dân tộc. Trong bài viết này Toptailieu sẽ chia sẻ đến bạn đọc cách Phân tích khổ cuối bài thơ Viếng lăng Bác học sinh giỏi kèm dàn ý hay và chính xác nhất.
1. Dàn ý phân tích khổ cuối bài thơ Viếng lăng Bác học sinh giỏi kèm dàn ý
Mở bài
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm và đôi nét về Hồ Chí Minh
– Dẫn vào đề nghị luận: Phân tích khổ cuối bài thơ Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương
Thân bài
Khái quát chung về bài thơ
– Bài thơ Viếng Lăng Bác được nhà thơ Viễn Phương sáng tác năm 1976 khi ông được vinh dự cùng đoàn đại biểu miền Nam ra thủ đô Hà Nội viếng lăng Bác sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất và lăng Bác vừa được hoàn thành.
– Dẫn vào khổ thơ cuối
Phân tích nội dung khổ thơ cuối
– Niềm thương cảm lớn lao:
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
+ Một tiếng “thương” của miền Nam là trọn vẹn tình cảm của người miền Nam đối với Bác.
+ Thương là yêu là kính yêu là quý trọng cả cuộc đời cao thượng vĩ đại của Bác đã dành hết cho dân cho nước cho sự nghiệp giải phóng dân tộc:
Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch chẳng vàng son
+ Thương là xót xa vì nỗi đau mất mát đi người cha già kính yêu, nỗi đau ấy trào dâng thành nước mắt, mà cả dân tộc Việt Nam không kiềm lại được. Nỗi đau niềm thương tiếc của nhân dân Việt Nam đối với Bác làm cảm động cả tấm lòng trời đất khi:
Suốt mấy đêm dài đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa
=> Câu thơ như bộc lộ rất chân thành nỗi xót thương vô hạn bị kèm nén cho tới phút chia tay và tuôn thành dòng lệ.
– Nguyện ước của tác giả:
+ Trong cảm xúc nghẹn ngào, tâm trạng lưu luyến ấy, nhà thơ như muốn được hoá thân để mãi mãi bên Người:
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này
+ Điệp ngữ “muốn làm” được nhắc tới ba lần cùng với các hình ảnh liên tiếp con chim, đoá hoa, cây tre như để nói lên ước nguyện tha thiết của nhà thơ muốn là Bác yên lòng, muốn đền đáp công ơn trời biển của Người.
=> Nguyện ước của nhà thơ vừa chân thành, sâu sắc đó cũng chính là những cảm xúc của hàng triệu con người miền Nam trước khi rời lăng Bác sau những lần đến thăm Người.
Kết bài
– Nêu cảm nhận của bản thân về khổ thơ: Khổ thơ thứ tư diễn tả tâm trạng lưu luyến của nhà thơ. Muốn ở mãi bên lăng Bác, nhưng tác giả cũng biết rằng đến lúc phải trở về miền Nam, chỉ có cách gửi lòng mình bằng cách hóa thân, hòa nhập vào những cảnh vật ở bên lăng Bác để luôn được ở bên Người.
– Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật
– Khát quát về tài năng nghệ thuật của Viễn Phương
2. Phân tích khổ cuối bài thơ Viếng lăng Bác học sinh giỏi kèm dàn ý
Viễn Phương sinh ra và lớn lên ở miền Nam thân yêu, ông được biết đến là nhà thơ có phong cách thơ trữ tình mà mộc mạc. Sau khi Nam Bắc được thống nhất một nhà, nhà thơ đã không ngại đường xa để ra Hà Nội chỉ để thăm lăng Bác. Bác Hồ trở thành nguồn cảm hứng cho Viễn Phương viết nên “ Viếng lăng Bác”. Bài thơ “ Viếng lăng Bác” ra đời bộc lộ rõ cảm xúc sâu sắc, tha thiết của nhà thơ và người đọc có thể cảm nhận được tấm lòng thành kính, tình yêu thương của toàn thể người dân Việt Nam dành cho Bác. Tác phẩm nhanh chóng để lại ấn tượng khó phai trong lòng người đọc đặc biệt là qua khổ thơ cuối.
Tác phẩm được trích trong tập thơ “ Như mây mùa xuân”. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt cả bài thơ chính là lòng thành kính, thiêng liêng, lẫn vào đó là một chút tiếc nuối và thương tiếc của tác giả, cũng như toàn thể đất nước đối với vị cha già của dân tộc. Bài thơ được viết theo thể thơ bảy chữ quen thuộc.
“ Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.”
Thời gian ở bên Bác là vô cùng ngắn ngủi và đáng quý, cuối cùng cũng phải đến lúc chia ly vô cùng nuối tiếc. Qua khổ thơ cuối, đã bày tỏ những cảm xúc mãnh liệt như đang cuộn trào trong lòng tác giả. Những câu thơ vang lên như từng giọt nước mắt rơi xuống trên trang giấy. Từ “ trào” đã bộc lộ rõ những cảm xúc mãnh liệt, luyến tiếc không thể nói được thành lời. Gặp Bác rồi, sao có thể nỡ mà rời xa, bởi Bác quá ấm áp và tuyệt vời. Qua đó, Viễn Phương cũng đã nói lên ước nguyện chung của những người chưa một lần được gặp Bác, được nhìn xem người ấm áp và vĩ đại nhường nào. Điệp từ “ muốn làm” được đảo ngữ lên đầu câu và điệp lại ba lần để kết thúc bài thơ. Những hình ảnh thơ vô cùng đẹp và gợi hình “ con chim – đóa hoa – cây tre”. Tất cả chỉ là những vật giản dị, bé nhỏ mong muốn dâng hiến hết cuộc đời mình để làm đẹp nơi Bác ngủ, mong muốn Bác có một giấc ngủ ngàn thu bình yên. Nhà thơ không mong muốn trở thành những gì lớn lao, chỉ mong có thể là chú chim nhỏ để ngày ngày ca lên tiếng hát đưa Bác vào trong giấc ngủ. Chỉ muốn làm bông hoa tươi để dâng hiến nhụy ngọt, hương thơm. Và mong muốn trở thành cây tre trung hiếu, cả đời một lòng vì Bác kết thành những hàng lũy bảo vệ, canh gác cho giấc ngủ vĩnh hằng. “ Đâu đây, chốn này” là các từ biểu thị lên ước ao của tác giả, luôn muốn ở bên Bác, không nỡ rời xa. Chính nỗi niềm ấy gợi nhắc chúng ta nhớ đến :
“ Ta bên người, người tỏa sáng bên ta
Ta bỗng lớn ở bên người một chút.”
Hình ảnh cây tre đã mở đầu cho bài thơ, giờ đây đã khép lại cho toàn bộ tác phẩm, cấu trúc đầu cuối tương xứng vô cùng tài tình và chặt chẽ. Đó không chỉ đại diện cho sự kiên cường, bất khuất mà còn là mong ước được cống hiến hết cuộc đời mình để trung thành với lí tưởng cách mạng cao đẹp và vĩ đại mà Bác đã vạch ra.
“ Viếng lăng Bác” được đánh giá là một bài thơ vô cùng xuất sắc và tràn đầy cảm xúc. Những biện pháp tu từ được vô cùng sáng tạo và độc đáo đã gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Qua khổ thơ cuối những hình ảnh thơ vô cùng lãng mạn và tha thiết đã bộc lộ rõ lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ nói riêng và toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung khi đến thăm lăng Bác. Khổ cuối chính là viên ngọc sáng của cả bài khi đã bày tỏ được nỗi niềm, ước mơ đáng quý của tác giả.
Dù Bác đã không còn trên đời nhưng hình bóng Bác luôn sống mãi trong triệu trái tim chúng ta. Xin nguyện như mong muốn Viễn Phương sống theo lí tưởng cách mạng mà Bác vạch ra. Hóa thân thành những thứ bình dị để được bên Bác cũng là ước nguyện đẹp nhất, cao quý, chất chứa trọn vẹn tấm lòng trân quý của nhân dân ta.
———————————-
Trên đây, Toptailieu đã cùng các bạn tìm hiểu cách phân tích khổ cuối bài thơ Viếng lăng Bác học sinh giỏi kèm dàn ý. Hi vọng đây là những thông tin bổ ích cho các bạn. Chúc các bạn học tập tốt.