Phân tích luận điểm của C. Mác: “Những tư tưởng thống trị không phải là cái gì khác mà chỉ là biểu hiện tinh thần của những quan hệ vật chất thống trị”?

Lời giải
Bàn về mối quan hệ giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần; giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội, trong tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức”, c. Mác và Ph. Ăngghen đã khẳng định: “Những tư tưởng thống trị không phải là cái gì khác mà chỉ là sự biểu hiện tinh thần của những quan hệ vật chất thống trị”[1].
Như vậy, từ lập trường duy vật lịch sử triệt để, c. Mác và Ph. Ăngghen đã đi từ lĩnh vực sản xuất vật chất của con người để giải thích các hiện tượng của đời sống tinh thần xã hội. Luận điểm trên đã khẳng định rõ vai trò quyết định của tồn tại xã hội với ý thức xã hội và chỉ ra bản chất của ý thức xã hội là phản ánh của tồn tại xã hội. c. Mác và Ph. Ăngghen chỉ rõ, không phải ý thức quyết định đời sống của con người, mà chính đời sống của con người quyết định ý thức của họ. Các ông cho rằng, những quan niệm, tư duy, sự giao tiếp tinh thần của con người xuất hiện ra chỉ là sự biểu thị trực tiếp của những quan hệ vật chất của họ trong đời sống hiện thực. Con người sản xuất ra những quan niệm, ý niệm… song họ là những con người hiện thực đang hành động và họ bị quy định bởi sự phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất tương ứng.
Trên cơ sở đó, c. Mác và Ph. Ăngghen đã phân tích, làm rõ sự ra đời của xã hội có giai cấp và đối kháng giai cấp bằng việc phân tích các hình thức sở hữu. Theo các ông, do có sự khác nhau về quyền sở hữu đối với tư liệu sản xuất mà quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất khác nhau, đó là quan hệ giữa thống trị và bị thống trị; quan hệ giữa áp bức bóc lột và bị áp bức bóc lột. Trong xã hội có giai cấp, giai cấp sở hữu tư liệu sản xuất nắm quyền tổ chức quản lý và phân phối sản phẩm trong quá trình sản xuất và sẽ là giai cấp thông trị xã hội cả về chính trị, tinh thần, tư tưởng.
Phê phán quan điểm phủ nhận tính giai cấp của ý thức xã hội, các ông đã đi vào phân tích những khía cạnh quan trọng nhất liên quan đến hệ tư tưởng của giai cấp thống trị. c. Mác và Ph. Ăngghen chỉ rõ tư tưởng thông trị trong xã hội là tư tưởng của giai cấp thông trị về mặt kinh tế và khẳng định, giai cấp nào là lực lượng vật chất thống trị trong xã hội thì cũng là lực lượng tinh thần thống trị. Những tư tưởng thông trị trong xã hội chỉ là những quan hệ vật chất thống trị được biểu hiện dưới hình thức tư tưởng, do đó là sự biểu hiện của chính ngay những quan hệ làm cho một giai cấp trở thành giai cấp thông trị và đó là những tư tưởng của sự thống trị của giai cấp ấy.
Mặt khác, giai cấp thống trị sử dụng quyền lực và tiền của cũng như các phương tiện thông tin để ra sức truyền bá những quan điểm, tư tưởng của mình đối với toàn xã hội. Chính vì vậy, tư tưởng thống trị của mỗi thời đại là tư tưởng của giai cấp thông trị. Thực tiễn lịch sử từ khi xã hội có sự phân chia giai cấp đến nay đã chứng minh luận điểm khoa học trên của C. Mác và Ph. Ăngghen.
Ngày nay, cuộc đấu tranh giai cấp trên lĩnh vực tư tưởng đang diễn ra hết sức gay gắt. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đang lợi dụng các phương tiện thông tin hiện đại, bằng mọi thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt tấn công, xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng ta. Nghiên cứu, nắm vững luận điểm khoa học của c. Mác và Ph. Ăngghen làm cơ sở lý luận khoa học để đấu tranh chống lại những quan điểm sai lầm, phản động của các học giả tư sản và bọn cơ hội xét lại dưới mọi màu sắc.
[1] C. Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1995, tr. 66-67.