Phân tích luận điểm của C. Mác: “Từ chỗ là những hình thức phát triển của lực lượng sản xuất, những quan hệ ấy trở thành xiềng xích của các lực lượng sản xuất. Khi đó bắt đầu thời đại một cuộc cách mạng xã hội”?

Lời giải
Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là hai mặt không thể tách rời của một phương thức sản xuất. Sự tác động biện chứng giữa hai mặt đối lập này tạo nên sự vận hành của quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất – một trong hai quy luật cơ bản chi phối quá trình vận động phát triển của xã hội loài người, C. Mác nhận định: “Từ chỗ là những hình thức phát triển của lực lượng sản xuất, những quan hệ ấy trở thành xiềng xích của các lực lượng sản xuất. Khi đó bắt đầu thời đại một cuộc cách mạng xã hội”[1].
Đây là một trong những luận điểm cơ bản của C. Mác bàn về nguyên nhân và động lực của sự phát triển lịch sử xã hội. Luận điểm trên cho phép tiếp cận và giải thích một cách khoa học mọi sự biến đổi của lịch sử xã hội.
Luận điểm trên đã chỉ ra, sự phát triển của phương thức sản xuất diễn ra từ chỗ quan hệ sản xuất phù hợp – “hình thức phát triển” tất yếu của lực lượng sản xuất, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Khi lực lượng sản xuất phát triển đến một trình độ mới với tính chất xã hội hóa ở mức độ cao hơn, tình trạng phù hợp bị phá vỡ, mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất phát triển với quan hệ sản xuất lỗi thời ngày càng gay gắt; đến một lúc nào đó, quan hệ sản xuất trở thành cái kìm hãm, trói buộc sự phát triển lực lượng sản xuất. Yêu cầu khách quan đặt ra là phải xóa bỏ quan hệ sản xuất cũ và thay thế bằng một quan hệ sản xuất mới phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Điều này cũng có nghĩa là phương thức sản xuất lỗi thời đã bị diệt vong và phương thức sản xuất mới ra đời. Tuy nhiên, quan hệ sản xuất cũ dù đã lỗi thòi, lạc hậu vẫn được giai cấp thống trị tìm mọi cách bảo vệ. Vì vậy, nó chỉ có thể bị xóa bỏ thông qua cuộc đấu tranh giai cấp mà đỉnh cao là cách mạng xã hội.
Luận điểm của c. Mác đã luận chứng nguyên nhân sâu xa của mọi biến đổi xã hội, trong đó tập trung chủ yếu vào cách mạng xã hội. Cách mạng xã hội có nguyên nhân sâu xa từ lĩnh vực kinh tế, đó là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, khi lực lượng sản xuất phát triển đến mức quan hệ sản xuất trở thành “xiềng xích” trói buộc sự phát triển của nó. Cùng với nguyên nhân trực tiếp là mâu thuẫn giai cấp đã đưa tới sự bùng nổ của các cuộc cách mạng xã hội trong lịch sử.
Nghiên cứu luận điểm của c. Mác là cơ sở khoa học để nhận thức đúng đắn tính tất yếu và vai trò của các cuộc cách mạng xã hội trong lịch sử. Thời đại ngày nay có những đặc điểm mới, những luận điểm của c. Mác vẫn còn nguyên giá trị. Đây là cơ sở khoa học để nhận thức tính tất yếu và vai trò của cách mạng xã hội chủ nghĩa trong thời đại ngày nay.
[1] c. Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1993, tr. 15.