Quan điểm mácxít về mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và chính trị? Ý nghĩa phương pháp luận và thực tiễn của vấn đề này?

Quan điểm mácxít về mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và chính trị? Ý nghĩa phương pháp luận và thực tiễn của vấn đề này?

Quan điểm mácxít về mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và chính trị? Ý nghĩa phương pháp luận và thực tiễn của vấn đề này?

Lời giải

Quy luật về mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng của xã hội là cơ sở khoa học để nhận thức một cách đúng đắn mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và chính trị.

Theo quan điểm của các nhà kinh điển mácxít, kinh tế là các phương diện cơ bản của đời sống kinh tế – xã hội bao gồm cơ sở kinh tế, quy luật kinh tế, lợi ích kinh tế… Trong đó, lợi ích kinh tế được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu của mọi hoạt động cải biến xã hội. Chính trị là sự phản ánh tập trung của kinh tế, là quan hệ lẫn nhau giữa các giai cấp, các tập đoàn người, các tầng lớp xã hội trong việc giành, giữ và sử dụng chính quyền nhà nước; là biểu hiện quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc về mặt nhà nước. Cốt lõi của chính trị là quyền lực nhà nước.

Trong quan hệ biện chứng giữa kinh tế và chính trị, kinh tế giữ vai trò quyết định, còn chính trị tác động trở lại kinh tế một cách mạnh mẽ. Bởi vì, kinh tế là nội dung vật chất của chính trị và các quy luật kinh tế khách quan chi phối sự vận động, phát triển xã hội. “Chính trị là sự biểu hiện tập trung của kinh tế”[1], tức là, chính trị của một giai cấp do địa vị kinh tế khách quan của giai cấp đó quyết định; giai cấp nào thống trị về kinh tế, giai cấp đó cũng thống trị xã hội về mặt chính trị tinh thần. Lợi ích kinh tế, xét đến cùng, là nguyên nhân của những hành động chính trị trong đời sống hiện thực. Các quan điểm tư tưởng chính trị và các tổ chức thích ứng với nó là do tính tất yếu kinh tế quyết định. Các hình thức nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội thay đổi nhanh chóng, ít nhiều tùy theo sự vận động, biến đổi của cơ sở kinh tế. Hay nói cách khác, tính tất yếu kinh tế là yếu tố xét đến cùng quyết định sự hình thành và phát triển của hệ thống các quan điểm tư tưởng chính trị và các thiết chế xã hội tương ứng.

Tuy nhiên, chính trị không phải là một nhân tố hoàn toàn bị động, mà nó luôn tác động mạnh mẽ trở lại kinh tế. Bởi vì, trong quan hệ với kinh tế, chính trị có tính độc lập tương đối; hơn nữa, chính trị còn liên quan trực tiếp đến lợi ích sống còn của các giai cấp. Vai trò của chính trị được thể hiện ở hoạt động tự giác của các giai cấp, các đảng phái vì những lợi ích sống còn, cơ bản của mỗi giai cấp. Khẳng định vai trò của chính trị đối với kinh tế, V.Ị. Lênin viết: “Chính trị không thể không chiếm địa vị hàng đầu so với kinh tế”[2]. Tác động trở lại của chính trị đến kinh tế theo hai chiều hướng. Nếu chính trị phản ánh sát đúng những yêu cầu chính muồi của sự phát triển kinh tế, nó sẽ thúc đẩy sự phát triển của kinh tế. Nếu chính trị phản ánh không đúng và hoạt động trái với cơ sở kinh tế, sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế.

Vai trò của chính trị còn được thể hiện ở chỗ, mọi cải biến đối với chế độ xã hội phải tất yếu thông qua nhân tố chính trị. Tính tất yếu về’ kinh tế không phải tự nó thực hiện được, mà phải thông qua các chủ thể cơ bản, đó là các giai cấp, các đảng phái và tổ chức chính trị – xã hội tương ứng. Với ý nghĩa đó, chính trị có thể làm thay đổi kinh tế. Ph. Ăngghen đã chỉ ra, quan điểm tư tưởng tác động trở lại cơ sở kinh tế và có thể trong những giới hạn nhất định nó làm thay đổi cơ sở kinh tế. Sự tác động trở lại của chính trị đối với kinh tế được biểu hiện tập trung ở quyền lực nhà nước và các sức mạnh vật chất tương ứng. Bởi vì, nhà nước là tổ chức quyền lực chính trị có khả năng hiện thực hóa những tất yếu kinh tế.

Như vậy, trong mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và chính trị, kinh tế quyết định chính trị và chính trị luôn tác động mạnh mẽ trở lại đối với kinh tế. Vì thế khi nhận thức, vận dụng quan hệ biện chứng này trong đời sống thực tiễn phải xuất phát từ kinh tế, đồng thời luôn coi trọng yếu tố chính trị. Nếu tách rời kinh tế với chính trị, tuyệt đối hóa mặt kinh tế và coi nhẹ yếu tố chính trị sẽ dẫn đến sai lầm của chủ nghĩa duy vật kinh tế tầm thường. Ngược lại, tuyệt đối hóa mặt chính trị, coi nhẹ yếu tố kinh tế sẽ dẫn đến sai lầm chủ quan, duy ý chí và sẽ phải trả giá đắt dẫn đến thất bại trong hoạt động thực tiễn.

[1] v.l. Lênin, Toàn tập, tập 42, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1976, tr. 349.

[2] v.l. Lênin, Toàn tập, tập 42, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tr. 349.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.