So sánh phương pháp tiếp cận hình thái kinh tế – xã hội của C. Mác với phương pháp tiếp cận “các nền văn minh” của một số học giả phương Tây hiện nay?

Lời giải
Do nhiều nguyên nhân nên các quan điểm triết học trước C. Mác đều giải thích một cách duy tâm quá trình vận động, phát triển của lịch sử xã hội. Bằng phương pháp tiếp cận hình thái kinh tế – xã hội, c. Mác đã thực hiện cuộc cách mạng trong toàn bộ các quan niệm về lịch sử xã hội.
Mác đưa ra phạm trù hình thái kinh tế – xã hội bằng cách phân tích tất cả các quan hệ giữa người với người trong đời sống xã hội. Điểm xuất phát để C. Mác nghiên cứu lịch sử xã hội là từ nền tảng vật chất của xã hội, đó là phương thức sản xuất vật chất. Trong hệ thống các quan hệ xã hội đa dạng, phong phú và phức tạp, ông làm nổi bật lên các mối quan hệ giữa người với người trong sản xuất vật chất. Đó chính là quan hệ kinh tế – vật chất của xã hội và chỉ rõ đây là mối quan hệ cơ bản, đầu tiên, quyết định tất cả các mối quan hệ xã hội khác. Trên cơ sở các quan hệ sản xuất – cơ sở hạ tầng của xã hội, đã hình thành nên kiến trúc thượng tầng của xã hội. Đó là các mối quan hệ xã hội về tinh thần như: chính trị, pháp quyền, đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật… cùng với các thiết chế tương ứng như nhà nước, đảng phái, giáo hội, các tổ chức chính trị xã hội… Hình thái kinh tế – xã hội là một phạm trù cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử, dùng để chỉ xã hội ở từng nấc thang lịch sử nhất định với một kiểu quan hệ sản xuất đặc trưng cho xã hội đó, phù hợp với một trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất và với một kiểu kiến trúc thượng tầng tương ứng được xây dựng trên những quan hệ sản xuất ấy. Phương pháp tiếp cận hình thái kinh tế – xã hội của c. Mác là khoa học trong quan niệm về lịch sử xã hội.
Với tham vọng thay thế phương pháp tiếp cận hình thái kinh tế – xã hội của c. Mác, một số học giả phương Tây hiện nay đã đưa ra phương pháp tiếp cận theo các nền văn minh. Các học giả này cho rằng, lịch sử loài người tiến triển theo 3 nền văn minh từ thấp đến cao đó là văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp và văn minh trí tuệ.
Phương pháp tiếp cận theo các nền văn minh có đóng góp nhất định về mặt khoa học ở chỗ xuất phát từ lực lượng sản xuất, từ sự phát triển của công cụ lao động để xem xét sự phát triển xã hội. Lực lượng sản xuất trong xã hội hiện đại là lực lượng sản xuất được tin học hóa, biểu hiện của nền văn minh trí tuệ. Điểm xuất phát trong xem xét lịch sử xã hội này là quan điểm duy vật, trùng với c. Mác, phù hợp với xã hội hiện đại. Song, quan điểm này khác với phương pháp tiếp cận hình thái kinh tế – xã hội của c. Mác. Cách tiếp cận này đã tuyệt đối hóa vai trò của yếu tố kinh tế – kỹ thuật (công cụ sản xuất) mà bỏ qua vai trò của quan hệ sản xuất, quan hệ giai cấp, chế độ chính trị… về thực chất, lý thuyết “các nền văn minh” đã giải thích một cách phiến diện quá trình vận động, phát triển của lịch sử – xã hội, không chỉ ra được nguồn gốc, động lực của sự phát triển xã hội; coi nhẹ các yếu tố chính trị – xã hội, lảng tránh vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp, làm lu mờ ranh giới giữa các chế độ xã hội. Phương pháp tiếp cận theo các nền văn minh là phiến diện, siêu hình, tuyệt đối hóa một yếu tố mà bỏ qua tính hệ thông, tính chỉnh thể của cơ thể xã hội. Vì thế, nó không thể giải thích đúng quá trình vận động, phát triển của lịch sử – xã hội và không thể thay thế được phương pháp tiếp cận hình thái kinh tế – xã hội của c. Mác.
Nghiên cứu sự khác nhau giữa phương pháp tiếp cận hình thái kinh tế – xã hội với phương pháp tiếp cận xã hội bằng sự thay thế các nền văn minh của một số học giả phương Tây hiện nay là cơ sở để nhận thức đúng đắn bản chất cách mạng, khoa học của phương pháp tiếp cận hình thái kinh tế – xã hội, cũng như học thuyết hình thái kinh tế – xã hội của C. Mác; đồng thời có được cơ sở khoa học vững chắc để đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái về vấn đề này.