Tại sao nói, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng? Sự vận dụng của Đảng ta về vấn đề này trong cách mạng xã hội chủ nghĩa hiện nay?

Tại sao nói, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng? Sự vận dụng của Đảng ta về vấn đề này trong cách mạng xã hội chủ nghĩa hiện nay?

Tại sao nói, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng? Sự vận dụng của Đảng ta về vấn đề này trong cách mạng xã hội chủ nghĩa hiện nay?

Lời giải

Chủ nghĩa Mác – Lênin khẳng định, quần chúng nhân dân là người sáng tạo những giá trị vật chất và tinh thần cho xã hội, quyết định sự vận động phát triển của xã hội loài người. Vai trò quyết định của quần chúng đối với tiến trình phát triển của lịch sử được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội. Quần chúng là lực lượng tham gia chủ yếu, động lực cơ bản của cách mạng xã hội. Có thể khẳng định, sự nghiệp cách mạng chính là sự nghiệp của quần chúng.

Theo quan điểm của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác – Lênin, lực lượng sản xuất là yếu tố xét đến cùng quyết định mọi sự biến đổi của lịch sử. Quần chúng nhân dân chính là chủ thể của quá trình sản xuất, là lực lượng sản xuất chủ yếu, hàng đầu của nhân loại. Hoạt động sản xuất vật chất của quần chúng nhân dân làm cho lực lượng sản xuất phát triển không ngừng, là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự thay đổi các phương thức sản xuất và biến đổi toàn bộ đời sống xã hội.

Trong các cuộc cách mạng xã hội, quần chúng nhân dân là động lực cơ bản, là lực lượng đông đảo thể hiện sức mạnh cực kỳ to lớn xóa bỏ chế độ xã hội cũ và xây dựng chế độ xã hội mới. Cách mạng xã hội chỉ có thể giành thắng lợi khi có sự tham gia của lực lượng quần chúng, phù hợp với lợi ích đông đảo của quần chúng và phát huy được vai trò to lớn của họ. Nếu không tập hợp được sức mạnh của quần chúng nhân dân, phát huy được tinh thần sáng tạo của họ thì cách mạng không thể giành thắng lợi. Bàn về vai trò của quần chúng, V.I. Lênin khẳng định: “Cách mạng là ngày hội của những người bị áp bức và bóc lột. Không lúc nào quần chúng nhân dân có thể tỏ ra là người tích cực sáng tạo ra những trật tự xã hội mới như trong thời kỳ cách mạng. Trong những thời kỳ như thế,… thì nhân dân có thể làm được những kỳ công”[1].

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh rằng, không có cuộc chuyển biến cách mạng nào mà không có sự hoạt động của đông đảo quần chúng nhân dân. Họ là lực lượng cơ bản của cách mạng, đóng vai trò quyết định thắng lợi của mọi cuộc cách mạng xã hội. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện lịch sử mà vai trò chủ thể của quần chúng nhân dân cũng biểu hiện khác nhau. Chỉ có trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, quần chúng nhân dân mới có đủ điều kiện để phát huy vai trò và khả năng sáng tạo của mình.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vai trò của quần chúng nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào”[2]. Do nhận thức được vai trò của quần chúng nhân dân, trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta luôn huy động được sức mạnh của nhân dân tham gia vào sự nghiệp cách mạng. Một trong những nguyên nhân thắng lợi to lớn của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc là do Đảng ta đã đánh giá đúng vai trò to lớn của quần chúng nhân dân. Đường lối chiến tranh nhân dân và quan điểm kháng chiến toàn dân, toàn diện trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã thể hiện sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin về vấn đề này của Đảng ta. Từ kinh nghiệm trong cách mạng giải phóng dân tộc và thực tiễn cách mạng xã hội chủ nghĩa những năm trước thời kỳ đổi mới, Đảng ta rút ra bài học quý báu: sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; chính nhân dân là người làm nên thắng lợi lịch sử. Trong quá trình đổi mới, Đảng ta cũng khẳng định: “Đổi mới là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Để công cuộc đổi mới thành công phải động viên được mọi tầng lớp nhân dân và các thành phần kinh tế tham gia”[3]. Đó chính là một trong những nguyên nhân thành công của sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.

[1] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 11, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1979,tr. 131.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1996, tr. 197.

[3]   Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2001, tr. 82.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.