Tại sao nói: “Cơ sở kinh tế thay đổi thì toàn bộ kiến trúc thượng tầng đồ sộ cũng bị đảo lộn ít nhiều, nhanh chóng” ?

Lời giải
Các quan điểm duy tâm phủ nhận vai trò quyết định của cơ sở kinh tế đối với các hiện tượng xã hội, còn quan điểm siêu hình lại tuyệt đối hóa vai trò của kinh tế một cách máy móc. Triết học Mác – Lênin quan niệm, cơ sở kinh tế và kiến trúc thượng tầng là hai mặt cấu thành xã hội có quan hệ biện chứng với nhau, trong đó cơ sở kinh tế quyết định tất cả các hiện tượng xã hội, quyết định kiến trúc thượng tầng; đồng thời kiến trúc thượng tầng phản ánh và tác động tích cực trở lại cơ sở kinh tế.
Luận điểm trên của c. Mác đã chỉ rõ, khi cơ sở kinh tế thay đổi thì tất yếu kiến trúc thượng tầng phải thay đổi theo. Tuy nhiên, sự thay đổi của kiến trúc thượng tầng có thể nhanh hay chậm, căn bản hay không căn bản. Trong các bộ phận khác nhau của kiến trúc thượng tầng, bộ phận phản ánh trực tiếp cơ sở kinh tế sẽ thay đổi ngay, còn bộ phận phản ánh gián tiếp sẽ thay đổi chậm chạp, dần dần.
Luận điểm của C. Mác được xuất phát từ phương pháp luận giải quyết mối quan hệ giữa vật chất và ý thức theo quan điểm triết học Mác – Lênin. Vận dụng vào xem xét, giải quyết mối quan hệ giữa cơ sở kinh tế và kiến trúc thượng tầng thì cơ sở kinh tế quyết định kiến trúc thượng tầng.
Luận điểm trên còn có cơ sở trực tiếp từ tính tất yếu của sự vận động kinh tế trong lịch sử. Kinh tế là nguyên nhân xét đến cùng quyết định sự vận động, phát triển của lịch sử xã hội, quyết định mọi hiện tượng của đời sống xã hội hiện thực. Hơn nữa, bản chất của kiến trúc thượng tầng là cái phản ánh, cái được hình thành trên cơ sở hạ tầng, cơ sở kinh tế, do cơ sở kinh tế quyết định. Cho nên, sự biến đổi của cơ sở kinh tế tất yếu dẫn đến sự biến đổi của kiến trúc thượng tầng.
Khi cơ sở kinh tế, đặc biệt là quan hệ sản xuất thông trị thay đổi căn bản thì kiến trúc thượng tầng xã hội cũng thay đổi căn bản. Sự thay đổi đó diễn ra trong suốt chiều dài của lịch sử và đưa tới sự ra đời của các hình thái kinh tế – xã hội khác nhau. Trong một hình thái kinh tế – xã hội, mỗi sự biến đổi về cơ cấu, cơ chế hoặc hình thức sở hữu trong lĩnh vực kinh tế… đều dẫn đến sự điều chỉnh nhất định ở lĩnh vực kiến trúc thượng tầng như: sự bổ sung luật pháp, cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, v.v… Ở các chế độ xã hội khác nhau, sự thay đổi cơ sở kinh tế dẫn đến sự biến đổi kiến trúc thượng tầng có sự khác nhau. Trong xã hội có giai cấp, sự thay đổi của cơ sở kinh tế dẫn đến cách mạng xã hội thì kiến trúc thượng tầng mới có sự thay đổi căn bản. Đây là cơ sở khoa học để nhận thức một cách đúng đắn mối quan hệ biện chứng giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở nước ta hiện nay.