Tại sao ý thức xã hội có tính độc lập tương đối so với tồn tại xã hội?

Tại sao ý thức xã hội có tính độc lập tương đối so với tồn tại xã hội?

Tại sao ý thức xã hội có tính độc lập tương đối so với tồn tại xã hội?

Lời giải

Ý thức xã hội là hệ thống những quan điểm, tư tưởng, lý luận cùng với tâm trạng, tình cảm, tập quán của con người phản ánh tồn tại xã hội trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Ý thức xã hội là sự phản ánh tồn tại xã hội nhưng không phải là kết quả máy móc theo kiểu soi gương, chụp ảnh, “đồng nhất, ăn khớp” với tồn tại xã hội.

Ý thức xã hội phụ thuộc vào tồn tại xã hội, do tồn tại xã hội quyết định, nhưng có tính độc lập tương đối. Ý thức xã hội ra đời, trở thành mặt tinh thần của đời sống xã hội, có “đời sống riêng”, có quy luật vận động nội tại của nó. Hơn nữa, ý thức xã hội không tồn tại đâu khác ngoài các cá nhân hiện thực, riêng của từng cá nhân. Mỗi cá nhân có thể mất đi, nhưng ý thức xã hội vẫn tồn tại khách quan như một “lực lượng tinh thần” trong xã hội, trở thành nhân tố không thể thiếu được của sự phát triển xã hội.

Trong quan hệ biện chứng với tồn tại xã hội, ý thức xã hội không phải là cái thụ động. Mặc dù do tồn tại xã hội quyết định, nhưng ý thức xã hội luôn phản ánh tồn tại xã hội và tác động mạnh mẽ trở lại tồn tại xã hội thông qua hoạt động thực tiễn của con người. Hơn nữa quá trình vận động, phát triển của ý thức xã hội còn do các quy luật nội tại, vốn có của nó chi phối. Sự phản ánh của ý thức xã hội đối với tồn tại xã hội không phải là máy móc mà là tích cực, sáng tạo. Sáng tạo cả trong phản ánh và sáng tạo cả trong chỉ đạo hoạt động thực tiễn.

Tính độc lập tương đối của ý thức xã hội được biểu hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau. Ý thức xã hội là cái đi phản ánh cho nên thường không theo kịp và có tính lạc hậu hơn so với sự vận động, phát triển của tồn tại xã hội. Song về bản chất, phản ánh của ý thức xã hội là phản ánh mang tính tự giác, tích cực và sáng tạo. Do vậy, ngoài tính lạc hậu tương đối, ý thức xã hội có thể phản ánh vượt trước sự phát triển của sự vật trong tương lai và có tác dụng hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động thực tiễn của con người. Mặt khác, trong quá trình hình thành, phát triển, ý thức xã hội còn kê thừa các quan điểm tư tưởng của xã hội trước, giai đoạn trước để lại, nhưng là sự kế thừa biện chứng có đấu tranh và lọc bỏ các yếu tố lạc hậu. Tính độc lập tương đối của ý thức xã hội còn được biểu hiện ở sự tác động lẫn nhau giữa các hình thái ý thức xã hội và sự tác động mạnh mẽ của ý thức xã hội đến tồn tại xã hội. Đây là những quy luật nội tại trong quá trình phát triển của ý thức xã hội.

Ý thức xã hội có tính độc lập tương đối, có tác động to lớn trở lại tồn tại xã hội, do vậy trong nhận thức và thực tiễn phải coi trọng mặt tinh thần của đời sống xã hội, coi trọng công tác chính trị tư tưởng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.