Tính cụ thể của chân lý? Phê phán quan điểm sai trái về vấn đề này?

Lời giải
Chân lý gắn với điều kiện lịch sử nhất định, khi điều kiện lịch sử thay đổi thì chân lý thay đổi. Không chỉ có chân lý tương đối mà cả chân lý tuyệt đối cũng phải gắn trong điều kiện hoàn cảnh lịch sử.
Tính cụ thể của chân lý được thể hiện trên các vấn đề sau: Mọi chân lý đều gắn với những điều kiện lịch sử – cụ thể của đối tượng nhận thức. Đồng thời, sự phản ánh đúng đắn khách quan là phải có đầy đủ tất cả những quan hệ cụ thể trong chỉnh thể của đối tượng nhận thức. Chân lý là tri thức đúng khi nó được kiểm nghiệm tính đúng đắn đó trong điều kiện, hoàn cảnh, lịch sử cụ thể. Nếu vượt qua điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể đó, chân lý có thể trở nên sai lầm. Xét đến cùng, kết quả đúng đắn của mọi quá trình tư duy trừu tượng phải dựa trên cơ sở những tài liệu cảm tính – cụ thể. Khi điều kiện không gian, thời gian thay đổi, đối tượng thay đổi thì chân lý cũng thay đổi.
Chân lý là cụ thể, đòi hỏi phải có quan điểm lịch sử – cụ thể trong nhận thức và hành động. Trong nhận thức sự vật, hiện tượng phải gắn với điều kiện hoàn cảnh cụ thể của nó, phải phân tích cụ thể tình hình cụ thể. Khi vận dụng nguyên lý chung vào cái riêng phải xuất phát từ điều kiện cụ thể của cái riêng.
Cần phê phán quan điểm đồng nhất chân lý cụ thể với việc phản ánh mang tính trực quan, cảm tính; quan điểm phủ nhận tính cụ thể của chân lý, cho rằng chân lý là tri thức mang tính trừu tượng; quan điểm tách rời sự cụ thể của chân lý với cụ thể của tư duy. Đồng thời, phê phán quan điểm siêu hình, giáo điều xem xét hệ thống tư tưởng – lý luận một cách rập khuôn, máy móc trong các điều kiện hoàn cảnh lịch sử cố định. Phê phán chủ nghĩa duy tâm đã áp đặt ý chí chủ quan trong quá trình cải tạo các sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan.