Tính quy luật của việc bỏ qua một vài hình thái kinh tế – xã hội trong quá trình phát triển lịch sử?

Lời giải
Tư tưởng về bỏ qua một vài hình thái kinh tế – xã hội quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong tiến trình lịch sử là nội dung quan trọng của lý luận hình thái kinh tế – xã hội, có giá trị to lớn đối với nhận thức và cải tạo xã hội. Tư tưởng về sự phát triển của các hình thái kinh tế – xã hội là quá trình lịch sử tự nhiên phản ánh tiến trình phát triển của xã hội loài người phải tuần tự trải qua các hình thái kinh tế – xã hội từ thấp lên cao. Tư tưởng trên không loại trừ, mà còn bao hàm cả sự bỏ qua một vài hình thái kinh tế – xã hội, để tiến lên một hình thái kinh tế – xã hội cao hơn đối với một quốc gia, dân tộc cụ thể (đây là con đường phát triển “rút ngắn”, tính lịch sử của sự phát triển). Như vậy, sự phát triển của các hình thái kinh tế – xã hội bên cạnh dòng chính đi từ thấp đến cao, một dân tộc cụ thể còn có thể thông qua con đường phát triển “rút ngắn” mà vẫn hợp quy luật, vẫn nằm trong tiến trình lịch sử – tự nhiên của sự phát triển.
Nhận thức, vận dụng đúng tính chất lịch sử – tự nhiên của sự phát triển các hình thái kinh tế – xã hội để xác định đúng đắn điểm đứng, trình độ phát triển và mục tiêu vươn tới của mỗi dân tộc có ý nghĩa hết sức quan trọng. Sự vận dụng đó cho phép một dân tộc có thể thực hiện bước bỏ qua mà vẫn phù hợp với tiến trình lịch sử. Mỹ không qua giai đoạn phát triển chế độ phong kiến mà phát triển lên chủ nghĩa tư bản. Trung Quốc, Việt Nam,… bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa quá độ lên chủ nghĩa xã hội vẫn nằm trong tiến trình lịch sử tự nhiên của sự phát triển.
Tuy nhiên, để bỏ qua một vài hình thái kinh tế – xã hội, tiến lên một hình thái kinh tế – xã hội cao hơn, phải gắn với các điều kiện khách quan và chủ quan cho phép. V.I. Lênin đã khái quát và chỉ ra ba điều kiện cơ bản sau: một là, hình thái kinh tế – xã hội định bỏ qua đã trở nên lỗi thời; hai là, hình thái kinh tế – xã hội định vươn tới đã thành hiện thực trên thế giới; ba là, trong nước, các lực lượng xã hội tiên tiến và cách mạng có đủ năng lực lãnh đạo quần chúng thực hiện bước bỏ qua.
Thời đại ngày nay là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội mở đầu bằng Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917. Vì vậy, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, quá độ lên chủ nghĩa xã hội là tất yếu, hợp quy luật đối với những nước chậm phát triển sau khi giành độc lập dân tộc. Mặc dù hiện nay, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Đông Âu sụp đổ, phong trào cách mạng thế giới đang tạm thời lâm vào thoái trào… nhưng lịch sử lại có những tiền đề mới để các nước chậm phát triển thực hiện bước bỏ qua, quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Hiện nay, xu thế quốc tế hóa đời sống kinh tế, mở cửa, giao lưu, hội nhập đang tạo ra các tiền đề cho các nước kinh tế chậm phát triển có thể tận dụng thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại của các nước phát triển để thực hiện bước “bỏ” qua tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội.