Vai trò quyết định của vấn đề giai cấp với vấn đề dân tộc? Nhận thức và vận dụng của Đảng ta về vấn đề này?
Lời giải
Giai cấp và dân tộc có quan hệ biện chứng với nhau. Mỗi nhân tố có vai trò, vị trí không ngang bằng nhau. Giai cấp quyết định dân tộc và dân tộc có vai trò tác động trở lại to lớn đến vấn đề giai cấp. Giai cấp quyết định sự hình thành, xu hướng phát triển, bản chất xã hội, tính chất của mối quan hệ giữa các dân tộc. Giai cấp có trước dân tộc. Mỗi dân tộc do một giai cấp đại diện, đó là giai cấp thống trị. Giai cấp thống trị quyết định đặc trưng, tính chất, quyết định chính sách đối nội, đối ngoại của dân tộc.
Bản chất xã hội của dân tộc được quy định bởi phương thức sản xuất thống trị trong dân tộc, bởi quan hệ giai cấp do phương thức sản xuất ấy sinh ra. Sự thống trị của phương thức tư bản chủ nghĩa và của giai cấp tư sản nói lên tính chất tư bản chủ nghĩa, vai trò thống trị dân tộc, vai trò đại diện dân tộc của giai cấp tư sản, thể hiện ở mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản thống trị với giai cấp công nhân bị trị.
Áp bức giai cấp là nguyên nhân căn bản, sâu xa của áp bức dân tộc. Hiện tượng dân tộc này thống trị, áp bức dân tộc khác trong lịch sử, về thực chất là giai cấp thống trị của dân tộc này áp bức, bóc lột dân tộc khác, mà bộ phận bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất là nhân dân lao động.
Chính vì vậy, trong nhận thức và hoạt động thực tiễn phải thấy rằng, muốn xóa bỏ triệt để nạn áp bức dân tộc phải xóa bỏ nguồn gốc của nó là chế độ người bóc lột người. Đồng thời, phải quán triệt tư tưởng nhân tố giai cấp là nhân tố’ cơ bản trong phong trào giải phóng dân tộc. Các vấn đề về giai cấp lãnh đạo phong trào, về sự liên minh giai cấp là những vấn đề trọng yếu của cách mạng giải phóng dân tộc. Chỉ có giai cấp vô sản mới có cơ sở khoa học và khả năng giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc.
Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin về giai cấp và dân tộc vào hoàn cảnh cụ thể nước ta. Ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã nhận định rằng, cách mạng vô sản ở các nước tư bản và cách mạng giải phóng dân tộc phải như “đôi cánh của một con chim”. Qua nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, Hồ Chí Minh đi đến kết luận hết sức cơ bản “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Mặt trận thống nhất dân tộc rộng rãi dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tập hợp, tổ chức toàn dân tộc tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, chiến đấu chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và đang đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đổi mới đất nước.